Dịch Covid-19 hoành hành tác động đến hầu hết các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, đây là thời điểm quan trọng để DN tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, biến khó khăn thành hành động, hướng tới nền kinh tế số. Đó là thông tin được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội nghị trực tuyến áp dụng nền tảng số cho DN nhỏ và vừa bình ổn sản xuất kinh doanh và kết nối hậu Covid-19 do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức.
Tại Hội nghị, một câu hỏi được nhiều DN đặt ra đó là: Liệu các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói 300.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước tung ra để hỗ trợ DN có đến được với các DN nhỏ và vừa hay không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua nhiều ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay để tiếp sức cho DN, có ngân hàng giảm 10%, có ngân hàng giảm 5%. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là DN, hỗ trợ cho DN cũng cần có các điều kiện cụ thể, DN nếu không có tài sản thế chấp thì phải chứng minh được kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả, chứng minh được sự minh bạch của dòng vốn thì ngân hàng mới dám cho vay.
Đối với gói hỗ trợ 300 ngàn tỷ đồng, ông Hùng khẳng định, đây chính là thông điệp mà ngành ngân hàng muốn gửi đến cộng đồng DN rằng: “Ngân hàng không thiếu tiền”, vấn đề đặt ra là DN có hấp thụ được không và hấp thụ thế nào để đạt hiệu quả, còn nếu DN không thể chứng minh với những chiến lược phục hồi sản xuất kinh doanh của mình, cũng như không có tài sản thế chấp thì sẽ rất khó để các ngân hàng cung ứng vốn vay.
Chia sẻ quan điểm tại Hội nghị, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhiều DN vừa và nhỏ đã gọi điện cho ông chỉ với một câu hỏi: Gói hỗ trợ 300 ngàn tỷ liệu có đến được với cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ, những đối tượng bị tác động nhiều nhất trong đại dịch này? Hay chủ yếu lại vào các DN lớn, có tiềm năng, có tài sản thế chấp lớn?
“Như vậy có thể thấy, rất nhiều DN than phiền là họ khó tiếp cận được gói hỗ trợ 300 ngàn tỷ này. Nếu trong vòng 2 tuần lễ nữa mà dịch bệnh vẫn tiếp diễn, thì số DN phá sản sẽ gia tăng rất mạnh, sẽ cao hơn con số 35.000 DN trong quý I rất nhiều, và tôi nghĩ nó sẽ có thể tăng gấp đôi”- ông Hiếu nói đồng thời đề xuất, rất cần có một gói hỗ trợ riêng dành cho các DN nhỏ và vừa, chiếm 97% số DN đang hoạt động hiện nay và họ là đối tượng cần được hỗ trợ nhất trong đại dịch này. Và tiếp đó, cần dành cho DN có thời gian ân hạn ít nhất một năm, để họ có thời gian hồi phục. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét thành lập một ngân hàng dành riêng cho các DN vừa và nhỏ, vì nhu cầu hấp thụ vốn của DN là rất lớn.
“Nếu con số 97% DN nhỏ và vừa hiện nay mà không thể trụ được qua bão dịch thì đó là điều vô cùng khủng khiếp cho nền kinh tế”- ông Hiếu nhấn mạnh.