Cứu môi trường

Nguyên Khánh 05/06/2017 07:30

Những ngày này, người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt. Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, nạn sạt lở đất khiến người ta bàng hoàng.

Sạt lở ở bờ sông Vàm Nao (An Giang).

Hôm nay, 5/6, Ngày Môi trường thế giới, một lần nữa cảnh báo biến đổi khí hậu với những tác hại nghiêm trọng lại được gióng lên: Hãy bảo vệ trái đất, môi trường sống của chính chúng ta.

Hiện nay, mức ô nhiễm không khí đặc biệt ở các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp đã vượt mức tiêu chuẩn cho phép. Không khí ở những nơi này bị nhiễm bụi, nhiễm các khí thải độc hại CO2, SO2, do lưu lượng xe cơ giới hoạt động nhiều, khói bụi từ các nhà máy công nghiệp thải ra.

Những dòng sông chảy qua các đô thị, qua các khu công nghiệp và chế xuất đã bị nước thải làm cho nhiễm độc, đổi màu đen ngòm và bốc mùi hôi thối khó chịu.

Lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu bị lạm dụng khiến đất ngày càng trở nên bạc màu, mặn hóa, phèn hóa. Những khu rừng bị chặt phá hoặc khai thác bừa bãi đã khiến cho lượng đất trống, đồi núi trọc tăng cao gây hậu quả khôn lường….

Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đã lên tới mức báo động, trở thành hiểm họa chung cho toàn cầu.

Nguyên nhân chính của hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao bắt nguồn từ chính con người. Sự tham lam, kiếm tiền bằng mọi giá của các chủ nhà máy khiến họ không xây dựng những khu xử lí nước thải, rác thải.

Sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân khiến họ lạm dụng các chất hóa học, chất bảo vệ thực vật để tác động vào đất đai, cây cối.

Tham vọng quyền lực của một số cá nhân, khiến họ duy trì những vụ thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân, làm cho nhiều vùng đất đai, dân cư bị nhiễm phóng xạ…

Chính sự ô nhiễm môi trường là tác nhân khiến cho sức khỏe con người ngày càng giảm sút. Rất nhiều người mắc các bệnh về da thậm chí là ung thư da, ngứa lở, viêm da rồi các bệnh liên quan đến đường hô hấp như lao phổi, ung thư phổi do hít thở trong bầu không khí độc hại…

Ô nhiễm môi trường sống là tác nhân chính cướp đi sinh mạng nhiều người. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, gần 90% ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở khu vực có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Rõ ràng, phát triển bất chấp hậu quả dẫn đến “gậy ông đập lưng ông”, khiến nhiều quốc gia phải hứng chịu hậu quả do chính họ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường sống. Hàng năm, mỗi quốc gia phải đầu tư rất nhiều nhân lực và tiền của để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, dưới tác động có ý thức và vô thức của con người khiến môi trường sống đang bị ô nhiễm trầm trọng. Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, diễn biến thời tiết ở nước ta sẽ theo hướng ngày càng khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình có thể tăng lên khoảng 1,7oC vào giữa và 2,4oC vào cuối thế kỷ 21.

Lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm. Việc lượng mưa giảm trong mùa khô sẽ dẫn tới tình trạng hạn hán diễn ra với cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi. Đồng thời, lượng mưa giảm kết hợp với nước biển dâng cũng làm cho tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới diễn ra ngày càng gay gắt hơn.

PGS.TS Lê Xuân Bá- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực về tài nguyên, thiên nhiên môi trường và môi trường xã hội ở Việt Nam. Dự báo trung bình giai đoạn 2016 - 2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm.

Điểm mặt nguyên nhân của tình trạng này, ông Bá cho rằng, khi nói đến ô nhiễm môi trường như đất, nước, không khí… người ta thường nghĩ và “đổ tội” do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu chịu một phần trách nhiệm, nhưng “nhân tai” tàn phá cũng không hề thua kém. Ví dụ, ô nhiễm biển miền Trung là do con người gây ra bằng cách xả thải.

Môi trường tự nhiên trên hành tinh chúng ta đang bị tàn phá, mà con người không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Có thể có người sẽ nói rằng, để đạt được sự tiến bộ trong cuộc sống thì phải kèm theo sự hi sinh.

Nhưng lẽ nào chúng ta có thể chấp nhận hi sinh để đánh đổi. Thế hệ sau và những thế hệ sau nữa của chúng ta sẽ còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề đến thế nào nữa?

Để gìn giữ, làm môi trường xanh sạch đẹp, con người cần nâng cao hơn nữa, ý thức tôn trọng, bảo vệ không gian sống của chính mình. Cần phát động những phong trào bảo vệ môi trường như: trồng cây xanh, đặt thùng rác ở những nơi công cộng, lập những đội thanh niên tình nguyện làm sạch môi trường ở các khu dân cư, các khu du lịch, lập quỹ vì môi trường, đăng thường xuyên các tin tức về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cần kiểm tra chặt chẽ hệ thống xử lí rác, nước thải của các công ty, nhà máy khi cấp phép hoạt động. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm gây hại đến môi trường…

Trong kỷ niệm Ngày môi trường trái đất này, rất nhiều hoạt động vì môi trường được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú thu hút sự tham gia của người dân.

Tuy nhiên, hành động vì môi trường không chỉ thực hiện rầm rộ trong một vài ngày hay một tháng. Đây phải là hoạt động thường xuyên liên tục. Theo đó, cần tập trung nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân.

Bạn đừng xả rác, lãng phí năng lượng, chặt phá cây xanh rồi sau đó tự hào vì đã gửi vài trăm nghìn đồng hỗ trợ nạn nhân bão lụt. Các công ty đừng xả thải trực tiếp ra môi trường rồi sau đó dành tiền hỗ trợ những nông dân là nạn nhân do hành động của chính họ gây ra. Mà cần ý thức rằng, chúng ta giữ môi trường trong lành là vì cuộc sống của chính chúng ta ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO