Cứu thành công bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não hơn 24 giờ bằng cách mổ não tỉnh thức

Thanh Giang 14/08/2023 13:06

Thông tin trên được đại diện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) cho biết trong sáng 14/8.

Theo đại diện Bệnh viện Tâm Anh, bệnh nhân Hải, 58 tuổi (ngụ TP HCM) nhập viện trong tình huống khẩn cấp khi người bệnh đã bỏ lỡ thời gian “vàng” cấp cứu đột quỵ. Đồng thời khối lượng máu tụ lớn, mạch máu vỡ vẫn tiếp tục chảy gây tăng áp lực nội sọ ngày càng nhiều, các chỉ số sinh tồn ngày càng xấu hơn.

Trước sự nguy kịch của người bệnh, TTƯT.ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Thần kinh và các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã hội chẩn và quyết định chọn kỹ thuật mổ não tỉnh thức mới với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.

Các bác sĩ mổ não tỉnh thức cho bệnh nhân bằng Robot Modus V Synaptive.p
Các bác sĩ mổ não tỉnh thức cho bệnh nhân bằng Robot Modus V Synaptive.p

Theo bác sĩ Tấn Sĩ, độ khó và nguy hiểm của mổ não tỉnh thức cao hơn gấp nhiều lần so với mổ có gây mê toàn thân, bệnh nhân được thở máy và nằm im, kiểm soát bằng thuốc dễ dàng. Tuy nhiên, do gây mê hoàn toàn nên bác sĩ không thể yêu cầu người bệnh nói hay cử động để trực tiếp đánh giá chức năng ngay trong lúc tác động vào vùng não tương ứng.

“Trường hợp khẩn cấp này, chúng tôi quyết định mổ tỉnh thức 2 trong 1. Lý do giúp chúng tôi tự tin để quyết định là có sẵn robot AI mổ não hiện đại bậc nhất hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi có ekip gây tê, hồi sức tích cực cấp cao ngay tại Bệnh viện. Nếu không có bác sĩ gây tê cục bộ và hồi sức tích cực đỉnh cao, cuộc mổ tỉnh thức không thể nào thực hiện được”, bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

Vừa mổ, bác sĩ Tấn Sĩ vừa nói với bệnh nhân: “Tôi đang lấy máu tụ trong não ra, anh thấy dễ chịu hơn không?”. Ông Hải trả lời: “Nhẹ hơn rất nhiều rồi, cảm ơn bác sĩ”. Ngoài ra, trong quá trình mổ, ê kíp liên tục trò chuyện với người bệnh, đề nghị ông co chân trái, chân phải… để chắc chắn các chức năng thần kinh liên quan được bảo tồn tối đa.

Sau mổ 30 phút, bác sĩ Chu Tấn Sĩ thông báo ca mổ đã thành công, người bệnh gọi điện thoại về cho gia đình. Nửa ngày sau, kết quả chụp CT 768 lát cắt cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức của người bệnh hoàn toàn bình thường.

Người nhà bệnh nhân cho biết, 2 ngày trước, ông Hải uống một lon bia trong tiệc nhà người quen. Sau đó ông liên tục chóng mặt, nhức đầu, nôn. Ngày hôm sau các triệu chứng không thuyên giảm, gia đình nghi ngờ ông bị đột quỵ nên đề nghị vào viện gấp. Tuy nhiên ở bệnh viện đầu tiên ông Hải đến nhập viện, bác sĩ cho biết đã quá thời gian có thể cấp cứu hiệu quả với các kỹ thuật truyền thống.

“Mổ tỉnh xuất huyết não bằng robot mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cứu sống và hạn chế tối đa di chứng cho những trường hợp xuất huyết não vốn trước đây không thể can thiệp điều trị. Chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch phát triển áp dụng kỹ thuật này với cả mổ u não, đảm bảo hiệu quả và bảo tồn cao nhất các chức năng cho người bệnh”, bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu thành công bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não hơn 24 giờ bằng cách mổ não tỉnh thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO