Đề phòng biến chứng của tay chân miệng

Đức Trân 14/08/2023 07:00

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 49.006 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM); 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc TCM gia tăng.

Chăm sóc và điều trị trẻ nhập viện do biến chứng của tay chân miệng tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhi bị suy hô hấp nặng do biến chứng của bệnh TCM. Bệnh nhi là bé P.M.N. (1 tuổi, trú tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng viêm phổi có suy hô hấp, kèm theo biểu hiện TCM không điển hình.

Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh TCM, mạch nhanh 200 lần/phút, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng. Bệnh nhi được thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ bệnh TCM độ 3, được dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, hạ áp... Sau 5 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện, không sốt, nhịp tim giảm, huyết áp trong giới hạn bình thường, đỡ suy hô hấp.

BS Hoàng Văn Kết - Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết, đây là ca bệnh TCM có dấu hiệu không điển hình, diễn biến nhanh và nặng, ngoài điều trị bằng những phương pháp thông thường còn cần dùng thêm các thuốc đặc biệt như IVIG, Milrinone, kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp, kiểm soát động mạch liên tục, kiểm soát nhịp tim.

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng, đầu gối và mông của trẻ. Thủ phạm gây bệnh này là nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71).

Trong đó, virus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng, thường tự khỏi. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tới thần kinh, tim mạch, phổi; thậm chí có thể gây tử vong.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Hầu hết các ca bệnh TCM đều diễn biến nhẹ. Đây là căn bệnh do virus nên đa phần tự khỏi sau thời gian chăm sóc tại nhà, chỉ cần điều trị nâng đỡ (ăn uống, dinh dưỡng) và điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm đau...). Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc TCM và có những dấu hiệu như sốt cao khó hạ hoặc sốt liên tục trên 2 ngày, nôn ói nhiều, khoảng 1 tiếng nôn ói trên 3 lần, có những dấu hiệu tổn thương thần kinh như run tay chân, đi đứng loạng choạng, giật mình chới với, da nổi mẩn, thở nhanh, thở rít, khàn tiếng… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và vệ sinh cho trẻ.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Việc mắc tay chân miệng rồi vẫn có khả năng nhiễm lại, vì có nhiều chủng, do đó cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học đến khi các bóng nước khô hẳn, hoặc đã hết các triệu chứng sau khi nhiễm bệnh ít nhất 7 - 10 ngày. Đồng thời cần vệ sinh vật dụng, đồ chơi, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên để hạn chế nhiễm và phát tán mầm bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng biến chứng của tay chân miệng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO