Cứu xâm nhập mặn: Cách nào?

V.Thắng 25/04/2016 09:37

Đến nay 11/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, nơi sâu nhất lên đến hơn 90km. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, tổng diện tích cây trồng thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 210.000 ha. Khoảng 1,3 triệu người thiếu nước ngọt. Và giải cứu xâm nhập mặn bằng cách nào đang là bài toán đặt ra.

Cứu xâm nhập mặn: Cách nào?

Hệ thống kênh rạch của Sóc Trăng cạn trơ đáy.

Mới chỉ là giải pháp “chữa cháy”

Không phải đến nay, vấn đề trên đã được cảnh báo từ trước với hệ lụy nhãn tiền. Cách đây đúng một năm tại diễn đàn Quốc hội - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về giải pháp chống xâm nhập mặn. Và lúc đó vị Bộ trưởng này cũng chỉ đưa ra được giải pháp “Bộ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các tỉnh trên”.

Đến nay khi xâm nhập mặn khó mà cứu chữa, để giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm ổn định sản xuất và dân sinh, hiện Bộ NN&PTNT đã đề nghị Quốc hội cho chủ trương rà soát quy hoạch giảm diện tích trồng lúa ở những vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn.

Đồng thời, ngành này đề nghị bố trí 51.845 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2017-2020, để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi lớn liên tỉnh phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ này cũng kiến nghị bố trí 45.262 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình thủy lợi trọng điểm phòng, chống hạn hán, kiểm soát mặn chưa có nguồn vốn ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các công trình cần đầu tư trước mắt, có thể hoàn thành trong năm 2016, phát huy hiệu quả chống hạn, xâm nhập mặn năm 2016-2017 là 3.773 tỷ đồng.

Cần tầm nhìn chiến lược

Những động thái từ phía Chính phủ cũng được đưa ra. Tuy nhiên đó mới chỉ là biện pháp tức thời và “dùng tiền” để chữa cháy. Nhưng còn về sâu xa cần những chiến lược mang tính dài hơi. Là Ủy viên Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng như là ĐBQH của tỉnh bị xâm nhập mặn nặng nề, ĐB Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, phải có đầu tư rất tích cực trong năm 2016 để người dân yên tâm chăm lo sản xuất, thoát khỏi cảnh khó khăn.

Ảnh hưởng của thiên tai đối với đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vừa qua cũng là cơ sở để thấy rằng việc phòng ngừa và thích ứng với hạn, xâm nhập mặn của chúng ta chưa đầy đủ, đồng bộ. Lý giải về điều này ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng), Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ ra một thực tế khi ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc đầu tư xây dựng các đập ngăn mặn những năm qua gặp khó khăn vì cần nguồn vốn lớn, ngân sách Trung ương và các địa phương còn khó trong cân đối và bố trí.

Nhưng theo ông Tâm, quan trọng nhất làm nền tảng cho sản xuất vẫn là phải đầu tư cho hạ tầng phòng, chống hạn, mặn. Ngoài tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Chính phủ cần huy động nguồn vốn tài trợ của quốc tế đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và cung cấp, trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Về phía Nhà nước, cần tiếp tục sửa đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ở các vùng hạn, mặn và ở những vùng này có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc thù về lãi suất, đất đai, công nghệ để làm chỗ dựa cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, sản xuất lâu dài trên những vùng đất đã bị tự nhiên biến đổi” - ông Tâm bày tỏ.

Theo ông Trương Minh Hoàn, hiện một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cố gắng duy trì đất sản xuất lúa để đảm bảo tình hình an ninh lương thực và xuất khẩu. Nhưng hiện những vùng đất ấy đang bị tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán nặng nề. Và ông cho rằng “nếu vẫn duy trì diện tích ấy để đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa thì hiệu quả sẽ không cao, thiệt hại rất lớn đến năng suất mùa vụ cho người nông dân”.

Vậy làm sao để vừa chung sống với xâm nhập mặn như lũ, theo ông Hoàng, cần phải tính đến việc sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm để thích ứng với sự thay đổi nguồn nước. Hay sản xuất một vụ lúa, một vụ màu theo cách vụ này trồng lúa và ngay sau khi thu hoạch sẽ bơm nước ra để trồng đỗ xanh. Đây là việc mà Cà Mau đang làm rất tốt và mang lại hiệu quả rất cao.

Hoặc để tránh tình trạng cây ăn trái 5-7 năm mới thu hoạch được và chỉ thu hoạch được 1,2 vụ sau đó bị xâm ngập mặn hay hạn hán, đề nghị khoanh vùng một diện tích nhất định để trồng cây ăn quả và xung quanh diện tích đó, vừa làm đê vừa làm mương để ngăn. Nếu nước mặn xâm nhập đến mương ngăn đó thì chúng ta sẽ chủ động bơm ra để không xâm nhập vào diện tích cây trồng. Và theo ông “đó là giải pháp căn cơ, bền vững”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, về lâu dài Chính phủ, các ngành chức năng cần ưu tiên cấp bách đầu tư khép kín cho đê bao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo giữ nước ngọt cho các vùng lúa trọng điểm ở khu vực, giữ vững ổn định. Cần quy hoạch lại cho Đồng bằng sông Cửu Long về đất sản xuất nông nghiệp, phân định rõ nơi nào sản xuất lúa nước, nơi nào nuôi thủy sản nước mặn để Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện tốt nhiệm vụ cả nước đã giao cho đó là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu xâm nhập mặn: Cách nào?