Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho thấy, sau 16 tháng triển khai, trong số 44 ngân hàng thương mại được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, 36 ngân hàng thương mại ghi nhận số tiền hỗ trợ lãi suất.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 cho thấy, tính đến ngày 30/9, doanh số hỗ trợ đạt hơn 190.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 63.000 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt 873 tỷ đồng (hơn 2,3% so với mục tiêu 40.000 tỷ đồng) cho hơn 2.200 khách hàng (khách hàng doanh nghiệp chiếm 99%).
Một số ngân hàng thương mại có kết quả hỗ trợ tích cực như VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank, Techcombank…
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thành lập đường dây nóng, tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại để nắm bắt phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành lập các đoàn công tác liên bộ khảo sát thực tế tình hình thực hiện chính sách tại một số địa phương, thông qua đó kịp thời đôn đốc, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại và khách hàng trong thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 10 tờ trình báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình, đồng thời có các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng là chủ yếu do các nguyên nhân như: khách hàng không đáp ứng đối tượng được hỗ trợ lãi suất như hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh...; khách hàng đáp ứng điều kiện nhưng lại có tâm lý e ngại hậu kiểm; khó đánh giá về khả năng “phục hồi”; một số khách hàng lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ...
Ngoài ra, kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước đối với chính sách này nhận định một số tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai của các ngân hàng thương mại như ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm; chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn đào tạo nội bộ; chưa cung cấp được bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách.
Văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất; nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách còn sơ sài, không đầy đủ, rõ ràng; rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ theo đánh giá chủ quan của ngân hàng còn chưa đầy đủ.