Đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Thanh Giang 16/10/2015 09:06

“Trong 9 tháng năm 2015 chỉ có mặt hàng tiêu là tăng trưởng mạnh còn lại các mặt hàng xuất khẩu nông sản, thủy sản khác đều giảm đáng kể. Dự báo, tình hình xuất khẩu tiếp tục còn khó khăn trong quý IV năm 2015”- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định tại hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng năm 2015 vừa diễn ra tại TP HCM.

Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2015 tăng trưởng 9,6%, đạt 120,7 tỷ USD. Dự báo, kinh ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức tăng trưởng 10% - chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Mặc dù lạc quan về chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm song ngành công thương vẫn lo lắng về hoạt động này. Bởi vì, một số ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế lại sụt giảm nghiêm trọng như: cà phê, gạo, cao su…

Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm của nhóm ngành nông sản ước đạt 15,14 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng kim ngạch nhưng giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu gạo của VN tăng 2,7% về lượng nhưng giảm 4,6% về giá trị so với năm 2014. Tương tự, mặt hàng cao su xuất khẩu tăng 9,5% về lượng nhưng giảm trên 11% về giá trị.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao VN cho hay, cà phê xuất khẩu giảm 30% về sản lượng và giảm 31% về giá trị. Khi giá cà phê ở mức 40 ngàn đồng/kg nông dân cố cầm cự để giữ hàng, chờ tăng giá. Sau này giá ở mức 36 ngàn đồng/kg thị trường càng chứng kiến sự “nguội lạnh” và trầm lắng hơn.

Lý giải về tình trạng xuất khẩu nông sản giảm sút, ông Đỗ Hà Nam khẳng định, nguyên nhân chủ yếu là do tỷ giá neo ở mức cao nên sản lượng, giá trị nông sản không thể tăng trưởng nổi. Đồng tình về vấn đề này ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng, đồng tiền VN neo ở mức cao so với các đồng tiền khác quá nhiều gây cản trở cho hàng xuất khẩu.

Theo Bộ Công thương, ngoài các nguyên nhân khách quan kể trên kéo giảm sản lượng và giá trị nông sản xuất khẩu thì phần lớn các hiệp định thương mại tự do chưa mang lại hiệu quả trước mắt. Song song đó, doanh nghiệp trong nước chậm chạp trong khai thác các thị trường mới. Bộ Công thương cho rằng, gạo và cao su phát triển thiếu ổn định khi sản phẩm vẫn tập trung vào thị trường truyền thống.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, đại diện Hiệp hội Cao su VN thông tin, mặc dù mặt hàng cao su trong nước phát triển mạnh ở 70 quốc gia song thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ lệ cao. Không chỉ riêng mặt hàng cao su, gạo cũng đang chọn Trung Quốc là thị trường chủ lực, thay vì đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU. Sự thiếu chủ động về thị trường đã, đang và sẽ tạo sức ép lớn cho sản phẩm khi thị trường truyền thống có các biến động bất lợi. Nhận biết rõ tính lợi bất cập hại của thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt có lên kế hoạch tìm hiểu thị trường mới nhưng xem ra việc thâm nhập vào thị trường các nước hoàn toàn không đơn giản.

Đơn cử, thị trường Nga rất hấp dẫn để các sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ, tuy nhiên đường vào thị trường này quá gian nan vì phải đi vòng vo ở EU. Doanh nghiệp Việt băn khoăn tìm cách trao đổi hàng hóa hoặc mua đứt bán đoạn với doanh nghiệp cũng như sản phẩm của thị trường Nga.

Không nhìn thị trường Trung Quốc như một thị trường mà nông sản bị phụ thuộc, bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho rằng, từ nay đến cuối năm Trung Quốc vẫn là thị trường có lợi thế để xuất khẩu. Nói về lợi thế của thị trường Trung Quốc, bà Tuyết mong muốn, Bộ Công thương nên xem xét để đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường này. Bởi, hàng hóa vào thị trường Trung Quốc thường có chi phí thấp vì cự ly ngắn, lượng tiêu thụ đông cho nên cần tiếp tục mở rộng thị trường Trung Quốc.

Nhằm tạo sự ổn định về sản lượng cũng như giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp nên nghiêm túc xem xét lại để tận dụng cơ hội cho tốt từ các thị trường khác. Bằng cách giảm bớt thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường bằng cách điều chỉnh các quy chuẩn về chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản