Thực tiễn khai thác cũng như các luận cứ, phản biện của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, nhà khoa học đã chứng minh Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê còn nhiều bất cập, sai sót, dang dở, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về môi trường. Nếu chấm dứt Dự án, doanh nghiệp sẽ chịu những thiệt hại kinh tế nhất định nhưng hàng triệu người dân Hà Tĩnh sẽ phát triển bền vững, an toàn.
Thiệt hại là khó đong đếm
Nếu chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, bản thân TIC sẽ có những thiệt hại nhất định về kinh tế - tổng chi phí đã đầu tư của Dự án theo báo cáo của TIC là 1.983.183 triệu đồng. Tuy nhiên tổn thất đó không thể so sánh được với những tổn thất mà tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh trong khu vực miền Trung nói chung sẽ phải gánh chịu nếu xảy ra những rủi ro và sự cố môi trường biển trong quá trình khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Chỉ tính riêng ở Hà Tĩnh, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nếu Dự án tái khởi động thì bãi thải, nước thải từ moong mỏ đổ ra biển, thêm vào đó là tác động của sóng biển, dòng chảy thay đổi, cát trôi, cát chảy tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, ngư trường và nguồn lợi thủy sản trong khu vực, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 1.384 lao động trên tàu cá của các xã nằm trong vùng dự án (513 tàu cá) và ảnh hưởng gián tiếp đến 10.397 lao động trên tàu cá trên địa bàn toàn tỉnh (3.312 tàu cá). Kéo theo đó ảnh hưởng tới các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (160 cơ sở chế biến thuỷ hải sản trong khu vực dự án và 273 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản khu vực lân cận bị ảnh hưởng).
Ngoài ra, với những rủi ro tiềm ẩn và sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình khai thác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch của vùng dự án nói chung và các khu vực lân cận nói riêng; các hệ thống bãi biển Xuân Thành, Chân Tiên, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh… Các khu, điểm du lịch biển và các cơ sở lưu trú ven biển (56 cơ sở lưu trú, 191 nhà hàng); các di tích lịch sử (trong khu vực dự án có 41 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 3 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh; 1 di sản phi vật thể là lễ hội Đền Lê Khôi) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể tiếp tục khai thác và sử dụng, thiệt hại về mặt kinh tế - xã hội là rất lớn.
Thiệt hại về các giá trị đã được Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng từ hàng chục, hàng trăm năm nay; thiệt hại về doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch (năm 2022, doanh thu từ hoạt động du lịch của Hà Tĩnh đạt 6.056 tỷ đồng)... Sinh kế của người dân và việc làm của hàng nghìn lao động đang làm việc tại các cơ sở du lịch, dịch vụ. Tổng số lao động phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 6.445 người, trong đó lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch biển khoảng 2.917 lao động; lao động gián tiếp lĩnh vực du lịch Hà Tĩnh khoảng trên 15.000 người.
Bên cạnh đó, khu vực mỏ tiếp giáp với TP Hà Tĩnh, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 5,5km và moong mỏ chỗ gần nhất cách biển khoảng 300m, khi khai thác tới độ sâu -550m sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như: Sụt lún đất trên diện rộng, tụt nước ngầm, xâm nhập mặn không chỉ đối với khu vực dự án mà còn ảnh hưởng đến TP Hà Tĩnh do khoảng cách quá gần và không gian kinh tế của TP Hà Tĩnh phát triển về hướng biển. Việc khai thác mỏ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Tĩnh hiện nay và trong những năm tiếp theo.
Trước những lo ngại về thiệt hại kinh tế của chủ đầu tư, trả lời phỏng vấn PV Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã khẳng định: Sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động Dự án, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng phương án xử lý tổng thể Dự án để khắc phục các hệ lụy, tồn tại liên quan theo đúng quy định.
Lo cho tương lai
Thiên nhiên không chỉ ưu ái cho vùng đất bãi ngang Thạch Hà một mỏ sắt trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á mà còn ban tặng cho Hà Tĩnh cả quần thể di tích, thắng cảnh rất đẹp.
Ngay vùng trung tâm mỏ sắt Thạch Khê là khu du lịch biển Thạch Hải của huyện Thạch Hà. Bãi biển này chỉ nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 10km, đây là một trong những bãi biển đẹp với bờ cát trắng thoải, nước biển trong xanh. Ở đây không chỉ có biển mà còn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với vẻ đẹp huyền bí của dãy núi Nam Giới với quần thể di tích, danh thắng gắn liền với truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử.
Cũng là một điểm nhấn cảnh quan nằm cách bãi biển Thạch Hải không xa, dãy núi Quỳnh Viên và Đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi là danh thắng thiên nhiên và di tích lịch sử đẹp nhất của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Thạch Hà nói riêng. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái không chỉ bởi vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của núi rừng, sông nước mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa tâm linh với bao thăng trầm của lịch sử đất nước.
Đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi còn gọi là Đền Võ Mục, ngôi đền tọa lạc ở lưng chừng Tây Nam ngọn Long Ngâm, thuộc dãy núi Quỳnh Viên - Nam Giới. Đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, một vị tướng tài ba của dân tộc, người có công lớn giúp vua Lê đánh giặc giữ nước.
Nêu ý tưởng về lợi thế để phát triển du lịch ở vùng mỏ, ông Phạm Công Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hướng phát triển của địa phương nếu chấm dứt Dự án và nhiều lần đưa ra ý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bởi địa phương có rất nhiều lợi thế”.
Theo ông Hoa, nếu chấm dứt Dự án mỏ sắt Thạch Khê, địa phương sẽ đề xuất xây dựng hệ thống thủy lợi nối từ moong mỏ về và sẽ giải quyết được bài toán thiếu nước sản xuất. Còn về hướng phát triển bền vững, có lợi cho bà con nhất đó là tập trung phát triển du lịch sinh thái bởi xã Đỉnh Bàn có 17 di tích lịch sử - văn hóa, có sông Rào Cái chảy qua, hai bên dòng sông người dân có thể phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, tạo thành tour tuyến du lịch kết nối khu du lịch biển Thạch Hải, Quỳnh Viên, du lịch tâm linh đền Lê Khôi…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh Hồ Việt Anh cho rằng, nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì đừng nghĩ đến chuyện du lịch, nó sẽ ảnh hưởng đến cả huyện Lộc Hà, Kỳ Anh của Hà Tĩnh và còn lan sang cả tỉnh Quảng Bình. Khai thác mỏ sắt Thạch Khê có thể có lợi về kinh tế trước mắt nhưng sẽ phá hủy toàn bộ khu vực này, biến nơi đây thành hoang mạc. Nếu dừng khai thác, lựa chọn phát triển du lịch sẽ có hướng phát triển bền vững. Tất nhiên, phát triển du lịch không phải một lúc là làm được ngay mà phải có thời gian, có sự đầu tư, kế hoạch, định hướng cụ thể.
Ngoài ra, nếu chấm dứt Dự án, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã lên kịch bản cụ thể về phát triển kinh tế xanh, phát triển du lịch để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là đứa con “đẻ non”
Ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn phản biện kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh nói: “Khi còn làm việc, với trách nhiệm là Bí thư Huyện ủy ở vùng Dự án và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, tôi đã nhiều lần kiến nghị về quy trình lập Dự án và khai thác mỏ. Và hôm nay, tôi rất đồng tình về kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh với Trung ương chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Việc này không chỉ là quan điểm của lãnh đạo địa phương, mà còn là chính kiến của một số nhà khoa học, nhà quản lý mà tôi được tiếp cận, là ý nguyện của người dân trong vùng mỏ. Tôi cho rằng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chính là đứa con “đẻ non”, thiếu tháng, thiếu ngày, chưa đảm bảo tính pháp lý và cơ sở khoa học. Đã 15 năm kể từ ngày khởi công Dự án, sau đó có quyết định tạm dừng đã để lại bao hệ lụy, khó khăn cho nhân dân ở vùng quê nghèo. Người dân và cơ sở mong chờ Đảng và Nhà nước sớm có những quyết sách kịp thời vì cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương”.