Đã đến lúc nới trần vé máy bay?

THẾ ANH 31/03/2023 06:26

Thông tin Bộ Giao thông vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (giá trần vé máy bay) tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Trong trường hợp đó, giá trần giá vé máy bay nội địa ở đường bay cao nhất sẽ lên mức 4 triệu đồng. Giá trần hiện nay cho đường bay dài nhất từ 1.280km là 3,75 triệu đồng và đường bay dưới 850km là 2,2 triệu đồng/vé.

Cụ thể, giá vé máy bay nội địa mức tăng cao nhất lên đến 6,7% so với hiện tại, ở đường bay từ 1.280 km trở lên. Từ 1.000 km đến dưới 1.280 km tăng 6,25%, tương ứng 3,4 triệu đồng (cao nhất). Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức tăng 2,89 triệu đồng (tương ứng với 3,58%). Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé máy bay tăng trần 2,25 triệu đồng (tương ứng với mức tăng 2,25%). Các nhóm đường bay dưới 500 km và đường bay kinh tế - xã hội (có hỗ trợ của nhà nước) dự kiến vẫn giữ nguyên.

Trước biến động của giá nhiên liệu, chi phí gia tăng của doanh nghiệp hàng không, năm 2021 Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ 3 hãng trở lên; để các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn. Năm 2022, một lần nữa Cục Hàng không Việt Nam lại đề xuất lên Bộ GTVT tăng giá vé bay nội địa.

Theo Luật Giá 2012 và Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT, giá vé máy bay do các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không thực hiện theo quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách. Mà khung giá ở đây chính là khống chế mức giá trần và giá sàn, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Mức giá trần mà Bộ GTVT ban hành năm 2019 vẫn giữ nguyên so với khung giá vận chuyển từ năm 2015. Trong khi các điều kiện lạm phát, chi phí đầu vào của năm 2023 đã rất khác so với 8 năm trước.

Đó là lý do mà Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đã cùng các hãng bay lên tiếng đề nghị được tăng trần giá vé bay nội địa.

Trên thực tế giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường. Nghĩa là, không phải tất cả vé máy bay nội địa bán ra đều bán được với giá cao nhất mà chỉ có một phần có thể được bán với giá cao nhất. Nhưng mức giá trần hiện nay, theo đánh giá của các hãng là thấp.

Vậy, thời điểm này đã nên tăng trần giá vé bay nội địa hay chưa?

Trước ý kiến có thể tăng trần giá vé máy bay các tuyến bay nội địa có thể sẽ áp dụng ngay trong quý 2, hoặc quý 3 năm nay, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố. Đành rằng các doanh nghiệp hàng không phải chịu nhiều thiệt thòi do giá nhiên liệu tăng, thua lỗ trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 do ít khách bay; nhưng cần nhớ rằng các khối doanh nghiệp khác và cả người dân cũng phải chịu những sức ép tương tự.

Trong khi đó, kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo còn tiếp tục khó khăn khi lạm phát vẫn ở mức cao và có khả năng rơi vào suy thoái. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam.

Ngày 29/3, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1/2023, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023 (chỉ cao hơn mức tăng 3,21% của quý 1/2020). Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) có địa phương giảm khá mạnh, như Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý 1/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy khó khăn là khó khăn chung chứ không riêng ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương nào. Điều đó cần được nhìn nhận một cách tổng thể để có giải pháp thỏa đáng.

Riêng với vận tải hàng không trong nước, không phủ nhận những khó khăn kéo dài nên việc đề xuất nới trần giá vé cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể chung của cả nền kinh tế thì trước mắt là chưa phù hợp. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tính chi phí đầu vào là nhiên liệu thì các hãng không phải gánh lỗ, nhưng còn nhiều chi phí khác có thể điều chỉnh giảm. Có nghĩa là vẫn có khả năng cân đối dòng tiền. Làm được điều đó cũng có nghĩa là chia sẻ khó khăn với nền kinh tế nói chung và hành khách khi đi máy bay trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã đến lúc nới trần vé máy bay?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO