Da giày Việt Nam tăng trưởng tốt nhờ sự cộng hưởng tích cực của nhiều yếu tố. Đặc biệt, nỗ lực mở rộng thị trường đang là phương án tối ưu để ngành này phát triển bền vững.
Ngành da giày tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Dự báo năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017 (18 tỷ USD). Lý do ngành da giày tăng trưởng tốt nhờ sự cộng hưởng tích cực của nhiều yếu tố. Đơn cử, chi phí nhân công cạnh tranh, nguồn lao động dồi dào có kỹ năng và kỷ luật tốt, thị trường nội địa giàu tiềm năng, khả năng đáp ứng ngày càng cao về công nghiệp phụ trợ và năng lực cạnh tranh lâu dài… Đặc biệt, nỗ lực mở rộng thị trường đang là phương án tối ưu để ngành này phát triển bền vững.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành da giày của Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu và đứng thứ 3 về sản xuất trên thế giới. Dẫn chứng cho sự thịnh vượng trong phát triển thị trường, Lefaso cho hay, Việt Nam tiếp tục tăng thị phần nhập khẩu giày dép vào thị trường Mỹ. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 5,4 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước đó, chiếm 17% thị phần nhập khẩu giày dép của Mỹ. Tại thị trường EU, da giày Việt Nam cũng tạo dấu ấn tốt, giày dép Việt chiếm tỷ trọng 31%, túi xách chiếm 26,1%. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu da giày vào thị trường EU chưa dừng lại con số trên. Kỳ vọng da giày tiếp tục tăng trưởng khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) có hiệu lực vì thuế quan sẽ giảm mạnh.
Mở rộng thị trường xuất khẩu giúp điều kiện cạnh tranh không bị giới hạn trong phạm vi quốc gia mà mở rộng ra ngoài biên giới. Tuy nhiên, có nhiều yêu cầu đặt ra đối với sản phẩm da giày xuất khẩu buộc doanh nghiệp da giày Việt phải có chiến lược để thích ứng với tình hình mới. Trước xu hướng mới và những thay đổi của thị trường, ông Diệp Thành Kiệt khẳng định, Việt Nam có đến 75% có quy mô nhỏ nên rất khó tự động hoá trong sản xuất. Nhưng điều này không phải là không thể, tùy vào điều kiện nhu cầu của từng đơn vị mà chọn tự động hoá. Doanh nghiệp nhỏ có thể hợp sức với nhau và liên kết dọc với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu thì vẫn có đủ sức cạnh tranh tốt. Hoặc, tham gia mối liên kết ngang, nghĩa là trở thành những vệ tinh của những doanh nghiệp lớn.
“Ở Ý, doanh nghiệp của họ cũng là đa phần quy mô nhỏ nhưng phát triển tốt nhờ họ đi vào các thị trường nhỏ lẻ. Tức là, họ sản xuất sản phẩm sản xuất có tính độc đáo, sản lượng nhỏ, có giá trị cao”, ông Kiệt dẫn chứng. Lefaso nhận định, hiện nay có 2 xu thế đang diễn ra. Doanh nghiệp yêu nghề, quyết tâm, nguồn lực về tài chính mạnh, cải tiến công nghệ tốt sẽ tồn tại và phát triển mạnh. Ngược lại, doanh nghiệp chậm chuyển đổi, không có chiến lược kịp thời thích ứng với xu thế mới của thị trường chắc chắn bị đào thải. Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển Chính phủ đã, đang có những giải pháp hỗ trợ tích cực về nguồn vốn, cải thiện môi trường đầu tư…