Người Ba Na nhánh Giơ Lâng ở làng Kon Brắp Du (xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) có Lễ Ét Đông độc đáo, thường được tổ chức vào 2 ngày đầu tháng 10 hàng năm.
Lễ Ét Đông hay còn gọi là Lễ ăn con dúi hay Lễ ăn dúi, là lễ hội truyền thống được bà con người Ba Na làng Kon Brắp Du tổ chức vào những ngày đầu tháng 10 (dương lịch) hàng năm khi cây lúa chuẩn bị trổ bông. Dúi là con vật được nhóm người Giơ Lâng Ba Na tôn kính và thờ Thần Dúi, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng và ấm no.
Lễ Ét Đông được bà con tổ chức để cầu mong một năm mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng được ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp đoàn viên, người làng đi làm ăn xa, những người con đi lập gia đình ở làng khác trở về đoàn tụ.
Trước đây, lễ hội này diễn ra từ 4 đến 7 ngày, nhưng gần đây chỉ tổ chức trong 2 ngày. Tuy nhiên, đây là lễ hội quan trọng trong năm của đồng bào, nên từ nhiều ngày trước đó, các gia đình đã dành thời gian để chuẩn bị. Một số thanh niên được già làng phân công vào rừng chặt le, sâm lũ về làm cổng để đón hồn lúa về làng. Đồng bào còn làm những cây nêu bằng thân cây le, phần vỏ cây le được cạo để tạo thành những sợi dài, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của cây lúa.
Ngày đầu tiên tổ chức Lễ ở quy mô gia đình, đồng bào chuẩn bị lễ vật và cúng ở rẫy lúa, mời Giàng cùng ông bà tổ tiên về vui cùng con cháu. Lễ vật không thể thiếu trong các gia đình gồm: ché rượu, con dúi, 1cuộn sợi chỉ, 1 bó lá chuối tươi, ống lồ ô, tranh tươi để gùi lên nhà rông làm lễ cúng Giàng.
Sau nghi lễ cúng Giàng ở nhà rông, mọi người trở về nhà mình ăn cơm cúng tại nhà. Khi tiếng trống của già làng cất lên tại nhà rông, mọi người lại tập trung về đây cùng uống rượu lễ, cuộc vui kéo dài đến tận tối. Kết thúc ngày thứ nhất, con dúi được đưa lên trên dàn thờ, là khu vực linh thiêng ở chính giữa nhà rông.
Sang ngày thứ hai, bà con cùng uống rượu để đưa linh hồn ông bà, tổ tiên về trời. Gần cuối buổi chiều, già làng và một số thanh niên lên khu vực thiêng khấn xin các thần cho dân làng đem con dúi xuống. Các gia đình đều đưa một cóc (chén) rượu, một ít thức ăn lên không gian thiêng với hy vọng Giàng sẽ mang lại sự may mắn cho họ.
Con dúi sau đó được đem xuống và cắm ở trung tâm nhà rông, nơi đặt ghè rượu của già làng. Các chủ hộ lần lượt đem con dúi của mình về chế biến, chia đều cho mọi thành viên. Đến cuối ngày, phần xương đầu của con dúi được buộc vào que le và cắm ở khu vực thờ chính giữa nhà rông. Nghi thức này vừa thể hiện lòng thành kính của dân làng đối với con vật thiêng, đồng thời cũng là lời thông báo đến các thần linh rằng: Lễ Ét Đông đã kết thúc.
Chỉ sau khi tổ chức Lễ Ét Đông, người Ba Na nhánh Giơ Lâng ở đây mới triển khai những việc lớn của gia đình như làm nhà mới, sửa nhà, cưới hỏi, mua trâu…
Theo ông Phạm Viết Thạch, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Rẫy, Lễ Ét Đông là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân trong làng, thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên, ông bà của người Ba Na. “Để tiếp tục giữ gìn văn hóa truyền thống này, huyện Kon Rẫy đã xây dựng chương trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Kon Rẫy giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Lễ Ét Đông”, ông Thạch cho biết.