Tối 10/2, tại sân chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ An vị tượng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn và Lễ Liên Hoa Hội Thượng.
Nhà sư thực hiện nghi thức châm truyền đăng.
Khung cảnh buổi lễ diễn ra lung linh huyền ảo, quanh tượng Đức Phật Thích ca được bao quanh bằng 1.000 bó hoa ly, 500 bó hoa hướng dương, 500 vỉ hoa lan, 1.000 ngọn nến được trang trí trong khu vực diễn ra lễ Liên hoa hội thượng.
Các nhà sư truyền ngọn lửa của sự ấm áp, của niềm tin, tượng trưng cho ánh sáng của Đức Phật soi đường, chỉ lối.
Hàng nghìn phật tử ngồi kín sân trật tự, nghiêm ngắn và đông đảo nhân dân đứng xung quanh khu vực diễn ra buổi lễ, ai cũng chắp tay khấn Phật, khiến buổi lễ càng thêm trang nghiêm.
Nhà sư truyền ngọn lửa cho các phật tử.
Đêm Hoa đăng Liên Hoa Hội Thượng là một nghi lễ đặc trưng của Phật giáo đã ra đời từ nhiều thế kỷ nay, nhằm đem ánh sáng chính pháp của Phật giáo soi khắp muôn nơi. Hoạt động này thường được tổ chức ở những trung tâm phật giáo lớn, những ngôi chùa có tòa Cửu Phẩm Liên Hoa.
Ngọn hoa đăng càng tạo thêm sự lung linh huyền ảo, thiêng liêng cho buổi lễ.
Chùa Côn Sơn xưa có Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được Đệ tam Thánh Tổ Huyền Quang Tôn Giả xây dựng từ thế kỷ 14. Hàng năm đều tiến hành lập đàn chẩn tấu, tổ chức lễ Liên Hoa Hội Thượng và nghi thức truyền đăng. Vào thế kỷ 17, Thánh Tổ Mai Trí Bản cho tôn tạo lại tòa Cửu Phẩm và duy trì lễ Liên Hoa Hội Thượng.
Thế kỷ XIX, Cửu Phẩm Liên Hoa và các công trình khác của chùa Côn Sơn bị tàn phá và nghi lễ Liên Hoa Hội Thượng đã bị thất truyền.
Hàng trăm học sinh kính cẩn dâng hoa đăng hướng về Đức Phật.
Lễ hội năm nay, công trình Cửu Phẩm Liên Hoa hoàn thành, nghi lễ Liên Hoa Hội Thượng được tổ chức nhằm an vị tượng và xem như ngày lạc thành của tòa Cửu Phẩm.
Cửu Phẩm Liên Hoa được coi là biểu tượng tối cao của thế giới cực lạc, thế giới của cõi niết bàn, nơi Đức Phật A Di Đà thường trụ. Ngài ngự ở hàng cao nhất của cửu phẩm, dùng ánh sáng vô lượng, công lực vô biên phổ chiếu cứu độ chúng sinh.
Thành kính dâng hoa đăng hướng về Đức Phật.
Buổi lễ diễn ra với nhiều nghi lễ, nghi thức đặc trưng của đạo Phật như: Trì chú đại bi, bát nhã, hô thần nhập tượng, châm và truyền đăng, nghi thức xưng tán tam bảo và đọc 20 điều nhớ ơn… Đặc biệt nghi thức châm truyền đăng của 500 phật tử khiến cho không khí buổi lễ càng thêm linh thiêng.
Lễ đài lung linh huyền ảo trong đêm.
Các nhà sư đang thực hiện nghi thức của phần cuối buổi lễ.
Những ngọn nến cháy lung linh đẹp mắt.