Khâu nhục là món ăn không thể thiếu trong các đám cưới hỏi, lễ tết của người dân tộc Tày và Nùng ở Lạng Sơn. Món khâu nhục là món ăn dân dã mang một hương vị rất hấp dẫn, đặc trưng.
Theo đó, khâu nhục cái tên rất lạ, “khâu” có nghĩa là hấp đến mềm rục, “nhục” là thịt, hiểu là “Thịt được hấp rục”- Hay hấp đến chín nhừ. Món đặc sản này được chế biến rất cầu kỳ, tốn thời gian, nhiều gia vị.
Người Lạng sơn chế biến món ăn này rất công phu: Thịt lợn ba chỉ sau khi rửa sạch, cắt miếng to chừng 0,5 kg, luộc sơ qua, vớt ra, rồi dùng cây để đâm hết lớp bì sau đó đem ngâm gia vị và đem quay hoặc chiên trên chảo mỡ nóng, vừa quay vừa phết mật ong cho vàng bì. Vớt ra, thái thành miếng dày chừng 2 ngón tay, mỗi miếng đều có bì, mỡ, thịt.
Khoai môn loại ngon, cắt khúc, rán vàng. Riêng về nhân khâu thì ta xay thịt mông, băm nhỏ mộc nhĩ, nấm hương đem trộn với nhau cùng với tiêu nước mắm và một số gia vị khác rồi vo viên to bằng nắm tay .Lấy bát to và đĩa có đường kính tương đương nhau.
Ở trên xếp lá tàu soi (một loại rau muối mặn của người Hoa, Tày, Nùng), xếp khoai môn vào giữa rồi đến nhân, tiếp theo xếp các miếng thịt xung quanh sao cho phần bì quay lên trên tạo thành hình một ngọn đồi nhỏ. Úp bát vào, lật lại để nguyên đĩa và xếp từng bát vào nồi hấp cách thủy nhỏ lửa trong khoảng 4-5 h cho thịt chín nhừ.
Trang trí cho món đặc sản khâu nhục thêm đẹp mắt, khi ăn thì lật úp bát thịt ra đĩa, để phần da của thịt được bày lên trên, nếu có màu vàng đều cùng hương thơm đặc trưng là đã đạt yêu cầu. Khâu nhục có thể ăn với cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với bánh gật gù.
Khâu nhục là món ăn ngon rất phổ biến không chỉ ở Lạng Sơn mà còn cả các tỉnh miền núi phía bắc. Nhưng khâu nhục ở xứ lạng vẫn có những nét riêng mà không ở đâu có được. Được thưởng thức khâu nhục cùng với một chút rượu mẫu sơn thì còn gì tuyệt vời bằng.
Khâu nhục làm xong có mùi thơm ngây ngất khó tả của lá mác mật, nấm mèo và các gia vị khác cộng với cái mềm dẻo, ít ngậy của miếng thịt làm cho người thưởng thức thật khó quên.