Ngày 15/4 được xem là “giờ G” đối với sim rác. Các doanh nghiệp viễn thông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được bán ra không đúng quy định. Tuy nhiên, cuộc chiến chống sim rác là không dễ dàng khi đã không ít lần các nhà mạng cam kết sẽ ngừng cung cấp sim cho đại lý, nhưng sim rác vẫn dai dẳng như một thách thức.
Không chỉ những cuộc gọi làm phiền, sim điện thoại với các ưu điểm dễ phổ cập, dễ tiếp cận, giá thành rẻ… đã trở thành công cụ mà các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có cả cuộc gọi lừa đảo, giả danh. Chính vì thế, theo đại diện lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), rà soát thuê bao là một trong những biện pháp giúp ngăn chặn sim không chính chủ, một trong những nguyên nhân gây ra nạn sim rác và cuộc gọi rác.
Trước đó, vào giữa tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra “tối hậu thư” tới các nhà mạng di động về việc phải chịu trách nhiệm triển khai, xử lý xong tất cả các sim tồn kênh chuyển về sim không có thông tin thuê bao, cả có hoặc không có gói cước. Bên cạnh đó là đảm bảo sim thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng.
Đây được coi là động thái quyết liệt nhất của cơ quan quản lý nhà nước gửi tới các nhà mạng, cũng như các đại lý. Tuy nhiên, tính tới nay, sau hơn 1 năm các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, nhưng người dân vẫn liên tục phải nhận các tin nhắn, cuộc gọi “rác” tư vấn đủ kiểu. Nhiều người dùng đã phản ánh lên nhà mạng, tổng đài nhưng cũng không đạt kết quả. Họ vẫn tiếp tục bị tra tấn từ những cuộc gọi, tin nhắn rác.
Đáng chú ý, thời gian qua còn có cả những cuộc gọi “bí ẩn” từ thuê bao cố định như 024…, 028… ở mọi thời điểm trong ngày. Với cả hai phương tiện “tra tấn” kể trên, có thể thấy ngay là thông tin cá nhân của nhiều người đã bị lộ lọt.
Vì thế, dù đã rất cảnh giác nhưng người dùng vẫn khó tránh việc bị cuộc gọi rác làm phiền. Nếu mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 sim tại một nhà mạng viễn thông thì với 5 nhà mạng một người có thể đăng ký 15 đầu số. Giả sử một công ty với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để “dội bom” hành hạ người dùng.
Vậy, bao giờ mới có hồi kết với sim rác? Và “giờ G” từ 15/4 có bảo đảm được điều đó không? Câu trả lời vẫn ở phía trước. Tuy nhiên, dù biết là rất khó nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng hy vọng sim rác sẽ bị hạn chế hơn, tình hình sẽ được cải thiện hơn cho dù cuộc chiến với sim rác sẽ còn kéo dài chưa có hồi kết.
Muốn chặn sim rác thì đương nhiên phải chặn từ nơi phát hành.
Một thống kê cho biết, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu sim được các nhà mạng phát hành ra thị trường cả nước. Trong đó, khoảng 80% sim được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng. Đáng nói là hầu hết sim rác được mua từ các cửa hàng đại lý không cần đăng ký thông tin thuê bao. Từ đó xuất hiện vấn nạn sim không chính chủ.
Còn nhớ, hồi tháng 9/2023, khoảng 10 ngày sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố các nhà mạng sẽ dừng bán sim qua đại lý, tình hình có chuyển biến. Nhưng rồi sim rác vẫn lại có cách lách. Không chỉ ở các cửa hàng, thông qua các sàn thương mại điện tử, sim rác vẫn bán vô tư.
Sim rác vẫn bán trên thị trường có thể là do các đại lý đã "ôm" đăng ký từ trước nên vẫn còn hàng tồn. Vì họ đã đăng ký thông tin sở hữu nên nhà mạng không thể tự ý cắt được. Tuy nhiên, cách giải thích như vậy cũng chỉ nhằm biện minh cho việc duy trì lượng sim khổng lồ tung ra với lợi nhuận rất cao của các nhà mạng.
Trở lại với “giờ G” đối với sim rác từ 15/4, một lần nữa người dân lại hy vọng không còn bị ám ảnh bởi những cuộc gọi rác, đến mức không dám nghe những cuộc điện thoại số lạ.
Quan trọng là phải chặn được sim rác từ nguồn là các nhà mạng. Tiếp đó là các đại lý. Không thể chỉ vì lợi nhuận mà doanh nghiệp làm nhiễu loạn thị trường, từ đó hành hạ người dân bằng những cuộc gọi phiền phức, gây rối, kể cả lừa đảo.