'Đại dự án' đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Gồng sức hoàn thiện

Tuấn Việt 17/02/2016 09:25

Tuy chỉ còn 30% khối lượng công việc, song tiến độ “đại dự án” đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành GTVT hiện nay. Để cán đích đúng vào ngày 31/12/2016, thời điểm vận hành khai thác thương mại, chủ đầu tư sẽ phải gồng hết khả năng, điều không hề dễ khi nhiều thứ vẫn “lệ thuộc” từ Tổng thầu Trung Quốc.

'Đại dự án' đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Gồng sức hoàn thiện

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Hiện nay, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành khối lượng thi công 419/419 trụ cầu khu gian, 112/112 trụ nhà ga, 81/112 xà mũ các nhà ga, cơ bản hoàn thành toàn bộ tầng 2, tầng 3 ga mẫu La Khê, toàn bộ 420 cọc khoan nhồi nhà ga Cát Linh, đục được 608 và lao lắp 494 trên tổng số 806 phiến dầm đơn giản. 180 m cầu sông Nhuệ đúc hẫng cũng đã hoàn thành, thảm xong hạng mục đường tránh Quốc lộ 6. Bộ GTVT cũng đã ký 2 hiệp định vay vốn, tổng số 419 triệu USD cho dự án và giải ngân được 3.960 tỷ đồng (tương đương 195 triệu USD), đạt 47% tỷ lệ vốn ODA đã vay.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông có tổng chiều dài chính toàn tuyến là 13,5km đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông (TP Hà Nội). Dự án động thổ tháng 9-2010, khởi công chính thức tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành cuối năm 31/12/2015. Tuy nhiên, do “đội vốn” và nhiều yếu tố liên quan, dự án được gia hạn đến 31/12/2016.

Ông Nguyễn Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, đến cuối năm 2015, dự án đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Đối với phần công việc còn lại, Ban QLDA Đường sắt sẽ phấn đấu để toàn bộ phần lao lắp dầm hoàn thành vào giữa tháng 4/2016, hoàn thành các nhà ga (trừ ga Cát Linh) trong tháng 4/2016, các nhà ga La Khê, ga Văn Khê được hoàn thành vào tháng 6/2016, khu Depot hoàn thành cuối tháng 6/2016 để cuối tháng 9 sẽ lắp đặt hệ thống thiết bị sẵn sàng cho chạy khai thác thử trong tháng 10/2016.

Toàn bộ phần xây lắp dự án sẽ hoàn thành tháng 12/2016, để có thể đưa các đoàn tàu chạy thử trên tuyến trước khi đưa vào khai thác thương mại từ ngày 31/12/2016.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, chủ đầu tư đã cam kết bằng mọi giá phải hoàn thành đúng tiến độ. Ở đây, cần sự tập trung cao độ của Ban QLDA, Tổng thầu và các nhà thầu phụ. Sự gồng sức về vốn, nhân lực, thiết bị cần được cụ thể hóa bằng khối lượng công việc của 30% còn lại. Sẽ không có thêm sự gia hạn nào khác do vậy các đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội để giải quyết các vấn đề mặt bằng xây lắp cũng như nguồn vốn. 10 tháng, thời gian rất gấp, cần sự gồng mình và quyết tâm lớn.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 là gần 8.800 tỷ đồng tương đương 553 triệu USD. Trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cho dự án là 1,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD) với lãi suất 3%/năm và vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD (lãi suất 4%/năm). Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là gần 134 triệu USD.

Đến tháng 10/2015, dự án đã phải điều chỉnh vốn. Theo kết quả thẩm tra của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) con số là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc phải tăng thêm trên 250 triệu USD.

Đáng chú ý, trong khoản này, riêng các chi phí thuộc hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đã đội lên hơn 248 triệu USD. Chỉ gần 2,2 triệu USD là thuộc chi phí dự phòng tăng thêm.

Về phía Việt Nam, phần vốn đối ứng của Chính phủ phải điều chỉnh tăng thêm gần 65 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng). Chi phí giải phóng mặt bằng cũng khiến tổng mức đầu tư đội thêm 63 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng)…Như vậy, phần lớn trong tổng số tiền vốn bị đội lên của dự án (248/315 triệu USD) nằm ở các chi phí thuộc hợp đồng với tổng thầu EPC (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Kim Thành cho biết, hiện nay đáng lo nhất là nguồn vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ. Theo báo cáo, khối lượng thi công đã được bàn giao nhưng Tổng thầu Trung Quốc chưa thanh toán cho các thầu phụ đã khiến dư nợ rơi vào khoảng hơn 300 tỷ đồng vào cuối tháng 10/2015. Với nguồn tiền như vậy, các nhà thầu đang rất khó khăn trong việc kiểm soát tài chính.

“Rất nhiều phần việc Tổng thầu lần lữa. Bản thân Bộ GTVT đã hết sức gay gắt trong vấn đề này. Nếu tiếp tục như vậy trong năm 2016, khó khăn lớn nhất chính là tài chính. Trong khi, các vấn đề về giải phóng mặt bằng đã được UBND TP Hà Nội từng bước giải quyết và khắc phục” - ông Thành nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Đại dự án' đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Gồng sức hoàn thiện