Đại hội Đảng bộ TP HCM thảo luận về đề án TP Thủ Đức

Thành Luân 16/10/2020 17:03

Ngày 16/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục diễn ra với nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp cho Đề án thành lập TP Thủ Đức.

Nội dung đề án TP Thủ Đức về tổng diện tích tự nhiên hiện hữu khoảng 21.000 ha (khoảng 10% diện tích toàn thành phố), cùng quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm 12% tổng dân số) bao gồm ba quận (2, 9, Thủ Đức) nằm ở phía Đông của thành phố.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đánh giá, khu vực này có hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận. Tương lai, khu vực này cũng sẽ trở thành khu vực đặc biệt để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối; vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối đa phương thức; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho biết, khu vực phía Đông, là khu vực có hạ tầng giao thông đô thị đa dạng, khá hoàn chỉnh, trong đó có công trình trọng điểm đường Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, hầm Thủ Thiêm, đường Vành đai 2, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1),…

Việc quy hoạch TP Thủ Đức tại khu vực này có ý nghĩa quyết định, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố. Trong đó, khu vực phía Đông thành phố hiện hữu cũng cơ bản hình thành những trung tâm mới về tài chính (Khu vực Thủ Thiêm, Khu nghiên cứu khoa học - Làng Đại học Thủ Đức, Khu Công nghệ cao tại Quận 9).

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Thanh Nhã, việc lập TP Thủ Đức phải đảm bảo chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch đô thị, bao gồm các tiêu chí về dân số cư trú (khoảng 1,5 triệu người vào năm 2030); giao thông công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại; 10% diện tích là công viên.

Đáng chú ý, 30% diện tích công viên của TP Thủ Đức được quy hoạch trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập, với mục tiêu đến năm 2040 sẽ giúp thành phố này chống ngập với tần suất 80%. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, khi hoàn chỉnh hệ thống chống ngập thì TP Thủ Đức có tần suất 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần.

Đô thị mới cũng đảm bảo công tác cải cách hành chính phải lấy chỉ số hài lòng của người dân làm cơ sở. Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân, thành phố quyết tâm nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công và tạo những điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Các nỗ lực vì dân, phục vụ dân, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.

“Thông điệp mà thành phố hướng đến là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ”, ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.

Tham gia thảo luận tại Hội trường, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết thêm, từ năm 2015 đến nay, hệ thống MTTQ các cấp thành phố đã chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát ở 20 nội dung, với 3.236 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm, kiến nghị.

Bên cạnh đó, bà Châu cho biết, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố cũng tập trung thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề,…

Qua giám sát, đã phát hiện nhiều nội dung, vụ việc, những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được chính quyền các cấp tiếp thu, phản hồi, giải quyết có tình, có lý, kịp thời, đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại hội Đảng bộ TP HCM thảo luận về đề án TP Thủ Đức