Theo qui định, ngày hôm nay 11/7, tức là sang tới ngày thứ 3 cũng là ngày cuối cùng của Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, cánh cửa Đại hội mới rộng mở cho giới phóng viên vào tác nghiệp. Việc kiểm soát gắt gao đại biểu ra vào, cũng như việc không công bố rộng rãi những thông tin từ Đại hội trên các phương tiện truyền thông 2 ngày qua, đã khiến những người quan tâm đến văn học nước nhà mang một băn khoăn không nhỏ: Có nên tổ chức một Đại hội giống như kiểu họp hội kín nh
Hôm nay, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam bước sang ngày làm việc thứ 3
Ảnh: Trọng Anh
Không có gì bí mật, thậm chí trao đổi rất dân chủ
Chỉ có 6 người trúng BCH Theo thông tin từ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, cho đến chiều ngày 10-7, Đại hội đã bầu được 6/38 ứng viên vào BCH Hội Nhà văn VN khóa IX (2015- 2020), trong đó không có một gương mặt nữ nào. Danh sách BCH mới bao gồm: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Nguyễn Bình Phương. Đặc biệt, nhà văn Bình Phương là gương mặt mới, lần đầu tiên tham gia BCH Hội Nhà văn VN. Ông hiện là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước đó theo dự kiến, Đại hội sẽ bầu khoảng từ 10- 15 ứng viên vào BCH. |
Chính vì cánh cửa vào dự Đại hội không rộng mở với giới báo chí, nên sang đến ngày thứ 2, những thông tin từ Đại hội Hội Nhà văn VN chủ yếu được “rò rỉ” từ các đại biểu tham dự. Nhờ thế, người ta mới biết và lấy làm ngạc nhiên rằng chỉ riêng trong ngày đầu tiên của Đại hội đã có tới hơn 200 trên tổng số hơn 500 đại biểu vắng mặt…
Nếu như hai ngày qua, ở bên trong Đại hội, các ý kiến trao đổi làm nóng bầu không khí của hội trường khách sạn La Thành, thì ở bên ngoài cánh báo chí cũng “nóng” lên với những câu hỏi: Tại sao cánh cửa Đại hội lần này lại khép chặt đến vậy? Những nội dung bàn bạc “nóng” phía trong kia có phải là những “bí mật” quá không?
Trao đổi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông chia sẻ: Đại hội Hội Nhà văn VN lần nào cũng vậy thôi, chủ yếu là anh em văn chương gặp nhau, xem lại nhiệm kỳ, rồi bầu bán, quy chế. Lần này, những quy chế thảo luận rất dân chủ. Kể ra các nhà báo được vào dự ngay từ những chương trình có tính nội bộ cũng rất tốt, không có vấn đề gì đáng ngại. Ví dụ trong dự thảo thì BCH sẽ bầu ra Ban kiểm tra. Nhưng qua thảo luận tại Đại hội thì Đại hội quyết định sẽ bầu ra ban kiểm tra.
Người thì nói là “vỡ trận”, nhưng người thì nói thực chất đó là dân chủ. Rồi ngay cả việc đề cử, ứng cử người ta cũng có sắp xếp thăm dò giới thiệu từ những Đại hội cơ sở vào BCH với phiếu từ trên cao xuống. Đại hội lần này định giới thiệu 20 người để bầu 15. Nhưng Đại hội lại bảo ít quá, nên ứng cử 30 người để bầu 15, cuối cùng chốt lại ở con số 38 người…
Về chuyện họp “kín”, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, thật ra, ở những nước cởi mở, ngay cả họp Quốc hội công chúng cũng được vào, và người nước ngoài cũng được vào. Ông đã sang Ấn Độ và đã được dự cuộc họp Quốc hội mà người nước ngoài, chỉ cần đưa hộ chiếu để qua cửa kiểm duyệt an ninh. Ở đó những đảng đối lập với nhau tranh luận cực kỳ gay gắt mà người ta vẫn cho mình vào. Hội Nhà văn VN là hội từ xưa đến nay vẫn được công chúng quan tâm, bởi không chỉ những tác phẩm của họ, mà những vấn đề họ suy nghĩ, họ bàn bạc- không phải cho riêng họ; những tác phẩm của họ viết về công chúng, vì thế mà công chúng quan tâm, vậy tại sao khi họp, khi bàn bạc mà công chúng (với vai trò dự thính) không được tham dự để biết các nhà văn bàn bạc cái gì? Ví dụ các cơ quan báo chí, đại diện dư luận công chúng nên được tham dự. Bởi những gì nhà văn suy nghĩ thì công chúng cần được biết. Nhà văn càng được gần gũi công chúng càng được nghe được tiếng nói của họ, để rồi truyền tải tiếng nói của công chúng trong tác phẩm của mình. Công chúng thấy tiếng nói của họ, thân phận của họ trong mỗi tác phẩm, thì họ mới tìm đọc. Còn khi đọc tác phẩm mà độc giả không tìm thấy tiếng nói của mình, rõ ràng nhà văn và bạn đọc sẽ xa lìa nhau.
Vì là Đại hội đại biểu toàn quốc, nên việc được đi dự Đại hội Hội Nhà văn VN cũng là mong mỏi của nhiều người. Vậy tại sao các đại biểu lại vắng mặt nhiều đến thế? Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn cho hay: Một phần cũng bởi các nhà văn thấy những nội dung trao đổi, việc bàn luận không thực sự thiết thực lắm thì họ bỏ đi, đó là quyền của người ta. Ngồi dự các cuộc thảo luận từ đầu đến cuối, ông thấy có những điều không cần thiết phải thảo luận nhiều như vậy. Thí dụ như tranh luận số người ứng cử ban chấp hành phải thế này, thế kia… Theo ông số lượng không quan trọng mà cái chính là chất lượng hoạt động của BCH ra sao. Ông Thúy Toàn cũng cho rằng, không khí Đại hội lần này rất dân chủ vì cho rất nhiều hội viên phát biểu.
Các đại biểu tham dự Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ IX.
Cứ kỳ vọng cho có…
Trước đó, chúng tôi đã ghi nhận nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tâm huyết và kỳ vọng của các nhà văn, nhà thơ gửi tới Đại hội. Trong số này, mong muốn về việc định hướng hoạt động của Hội để nâng cao chất lượng sáng tác được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó là mong muốn trẻ hóa BCH Đại hội Hội Nhà văn VN khóa IX so với hiện nay; rồi mong muốn hội hãy rộng cửa kết nạp hội viên mới, nhất là với những người cầm bút trẻ. Ngay trong ngày đầu tiên của Đại hội, các đại biểu đã thông qua 3 nội dung tại Dự thảo Báo cáo của BCH khóa VIII: Nhà văn không được tham gia các tổ chức chưa được Nhà nước cấp phép hoạt động; Quy chế kết nạp Hội viên mới; Quy chế bầu Ban kiểm tra của Hội Nhà văn VN.
Dẫu vậy, có nhiều nhà văn bảo rằng, cũng cứ kỳ vọng vậy, còn tất cả mọi việc mà đổi mới ngay lập tức, chắc khó… Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì mong muốn BCH Hội Nhà văn VN khóa mới có đầy đủ các thành phần, lứa tuổi già, trung, trẻ. Nếu có được nhiều thế hệ trong BCH thì sẽ tốt hơn, để hỗ trợ cho nhau. Ông bảo rằng, người ta vẫn nói nhà văn viết hay hay không hay không phụ thuộc vào các kỳ Đại hội, mà nhà văn muốn tinh thần cởi mở với văn học nghệ thuật, chấp nhận được nhiều khuynh hướng, nhiều trường phái và chấp nhận được cả những vấn đề mà ta vẫn cho là nhạy cảm….
Còn dịch giả Thúy Toàn kỳ vọng: Đại hội phải chọn được BCH trẻ trung và làm việc thực sự. Theo tôi có thể trong 38 người được giới thiệu ở trên, ta nên bầu 10 người, nhưng phải là những người có năng lực, có tâm làm việc, vì việc chung chứ không chỉ bầu ra để ngồi đó...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ, trước đó ở Đại hội đại biểu Hội Nhà văn VN lần thứ VII (2005 – 2010) ông đã từng đọc tham luận. Tới Đại hội lần này nhiều nhà văn có nói, tình hình 10 năm trước ở tham luận của ông tới bây giờ không có gì khác. Có người còn khuyên ông rằng, kỳ này, nếu Đại hội có yêu cầu viết tham luận thì cứ đọc lại nguyên văn tham luận đã đọc ở Đại hội VII về “Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao”. Theo ông Hải, bây giờ đến Đại hội IX rồi mà mọi thứ vẫn chưa có thay đổi, nên ông không biết hy vọng ở cái gì. “Về nhân sự, theo tôi BCH phải có gương mặt sáng giá. Thứ nhất họ có năng lực làm việc, thứ hai họ có khả năng sáng tác và những tác phẩm của họ phải được công chúng công nhận. Chứ có người viết hàng trăm đầu sách chẳng ai đọc. Nhà văn là phải có công chúng…”, nhà văn Hoàng Quốc Hải nói.
Năm 2015, nhiều hội văn học nghệ thuật cùng tổ chức Đại hội, song có lẽ Đại hội của Hội Nhà văn VN dành được nhiều sự quan tâm hơn cả. Điều ấy chứng tỏ không chỉ người trong giới mà bạn đọc hôm nay cũng vẫn dành rất nhiều ưu ái, cũng như sự quan tâm đến đời sống văn học nước nhà. Và cho dù quan tâm ở góc độ nào (nhân sự của BCH, Ban Kiểm tra, chất lượng hội viên, qui chế hoạt động của Hội…) thì chung qui lại, đó vẫn là mong muốn được thưởng thức những tác phẩm ngày càng có chất lượng. Đặt ra vấn đề rộng cửa của hội nhà văn nhìn từ một đại hội – thông qua góc truyền thông, thực chất cũng là vấn đề Hội nhà văn hãy rộng cửa với công chúng. Bởi không ai khác, công chúng chính là người đọc, là khách hàng và là người thẩm định chất lượng văn chương.
Theo kế hoạch, hôm nay, (11-9), Ban chấp hành mới của Hội Nhà văn khóa IX sẽ chính thức ra mắt.