Đắk Lắk: Sản xuất cà phê bền vững

Q.Huy 24/06/2017 08:40

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện nay, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk đều đã thực hiện các chương trình sản xuất cà phê bền vững (có chứng nhận, xác nhận) trên thế giới giúp tăng thu nhập cho người sản xuất.

Sản xuất cà phê bền vững giúp nâng cao thương hiệu và phê Tây Nguyên.

Hiện tỉnh có trên 40.500 hộ tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận như chương trình sản xuất cà phê bền vững với gần 65.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 226.000 tấn cà phê nhân trở lên, chiếm trên 50% sản lượng cà phê nhân trong mỗi niên vụ.

Đặc biệt, trong 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đều tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận. Đây cũng là địa phương có số nông hộ, diện tích, sản lượng cà phê nhân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận nhiều nhất trong cả nước.

Huyện Cư M’gar vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk hiện nay cũng đã có gần 10.000 hộ, với 15.000 ha (chiếm 45% diện tích cà phê toàn huyện) cà phê tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, các nông hộ khi tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận được các đơn vị chức năng đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh đồng bộ cây cà phê từ khâu trồng, chăm sóc, tưới nước, bón phân đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản…

Các nông hộ cũng được cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn chi tiết tiết kiệm vật tư, phân bón hợp lý để hạn chế tác động đến môi trường, tưới nước tiết kiệm…

Theo tính toán của các đơn vị chức năng, các nông hộ tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận không những vườn cây đạt năng suất cao, ổn định, giảm chi phí đầu tư từ 5 đến 7% mà giá bán sản phẩm cà phê nhân còn được cộng thêm từ 30 đến 150 USD.

Đặc biệt, môi trường vườn cà phê được bảo vệ tốt hơn, các loại hóa chất có độ độc cao không được sử dụng hoặc hạn chế sử dụng, khuyến khích các nông hộ trồng cây che bóng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học…

Anh Y Hùng Niê ở xã vùng sâu Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình có 3 ha cà phê, trước đây tưới nước, bón phân theo kinh nghiệm nên có năm được mùa, có năm mất mùa, năng suất vừa thấp vừa không ổn định. Sau hơn 3 năm tham gia sản xuất cà phê bền vững, anh Y Hùng Niê được đơn vị cho đi tập huấn kỹ thuật về quy trình thâm canh đồng bộ cho cây cà phê từ khâu trồng, chăm sóc đến tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh… cho cây cà phê.

Trước đây, khi đến mùa khô, gia đình thường tưới từ 800 - 900 lít nước/lần tưới/cây cà phê nhưng nay chỉ cần từ 400 - 500 lít/lần tưới/cây nhưng cây cà phê vẫn lên xanh tốt ngay trong mùa khô, đạt năng suất bình quân 3 tấn cà phê nhân/ha.

Anh Y Hùng Niê cho biêt thêm, tham gia sản xuất cà phê bền vững giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và cà phê nhân lúc nào cũng được các doanh nghiệp thu mua với mức giá cao hơn …

Tuy nhiên, cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, trở ngại chính của việc sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, xác nhận là các nông hộ nhiều khi chỉ bán được một phần sản lượng được chứng nhận, phần còn lại bán dưới dạng cà phê thông thường nên chưa khuyến khích được các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tiếp tục mở rộng diện tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Sản xuất cà phê bền vững