Cơn bão số 12 vào cuối năm 2017 khiến hàng nghìn ha rừng trồng huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, bị đổ, gãy ngang, khô cành, tạo nên một lớp thực bì dày. Việc không tận thu kịp những diện tích rừng trồng bị chết khô đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Cán bộ Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk phát dọn gỗ keo bị chết khô để hạn chế cháy rừng.
Tại xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, sau hơn 4 tháng kể từ khi cơn bão số 12 xảy ra, khắp các quả đồi, những vạt rừng keo lai xanh mướt trước đây đã trở nên trơ trụi, khô khốc. Chủ tịch UBND xã Ea Trang, ông Y Đôi Niê cho biết, xã có 1.300 ha trồng keo lai do người dân tự trồng. Ảnh hưởng của bão số 12 khiến 100 ha rừng bị gãy đổ, chết khô, đến nay người dân chỉ mới phát dọn, tận thu được khoảng 10% diện tích rừng bị thiệt hại này.
Theo ông Y Đôi Niê, việc chậm khắc phục diện tích rừng bị thiệt hại sau bão là do mưa lớn kéo dài đến trước Tết Nguyên đán, các hộ trồng rừng có tâm lý ngại tận thu, bỏ mặc cây cối gãy đổ trong rừng do gỗ keo chưa đủ năm để khai thác, hoặc nếu thu gom được nhập cho các nhà máy chế biến gỗ băm dăm thì gỗ đã mất nước, giảm trọng lượng, nên không đủ trả tiền công thuê người cưa chặt, bóc vỏ và vận chuyển. Không chỉ các hộ dân, các doanh nghiệp có diện tích rừng trồng lớn như Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk, Ban Quản lý rừng Vọng Phu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục thiệt hại rừng trồng sau bão.
Theo ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk, hiện Công ty có 2.074 ha rừng trồng. Ảnh hưởng của bão số 12 khiến 1.620 ha rừng trồng bị gãy ngang, khô cành; đến thời điểm hiện tại Công ty mới chỉ tận thu được khoảng 50% diện tích. Năm 2018, Công ty có kế hoạch trồng 800 ha rừng, tuy nhiên do chưa khắc phục kịp diện tích rừng bị thiệt hại nên ảnh hưởng đến việc phục hồi lại rừng cũng như sản lượng gỗ của các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, diện tích rừng trồng bị chết khô đang tạo nên một lớp thực bì dày dễ tạo thành “mồi lửa” gây cháy rừng trên diện rộng, nhất là khi các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang bước vào mùa khô. Để hạn chế cháy rừng, đơn vị đang tập trung nhân lực chặt, tỉa cành khô, đốt dọn thực bì, làm đường băng cản lửa; phục hồi dần diện tích rừng bị thiệt hại; vận động các nhóm hộ liên kết trồng rừng, người dân không mang các vật dụng để bén lửa vào rừng.
Theo ông Trần Tiến Duật, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện M’Đrắk, địa phương có hơn 72.000 ha đất rừng, trong đó rừng trồng gần 14.000 ha. Do ảnh hưởng của bão số 12, toàn huyện có trên 6.000 ha rừng trồng bị hư hại; trong đó nhiều diện tích rừng bị mất trắng là rừng trồng năm thứ hai và thứ ba, chủ yếu ở các xã Ea Trang, Cư San, Ea Riêng. Hiện đang bước vào thời điểm khô hanh, việc chậm tận thu rừng trồng bị ngã, đổ, khô mục khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng tại thủ phủ rừng trồng M’Đrắk là rất cao.