Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng(khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại Đắk Lắk các chương trình tín dụng chính sách đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững…
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tỉnh có đường biên giới dài khoảng 73 km giáp với Vương quốc Campuchia; diện tích tự nhiên 13.125 km2;dân số hơn 2 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 35,7%. Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố loại I trực thuộc tỉnh, 1 thị xã và 13 huyện (trong đó có 2 huyện nghèo là M’Drắk và Ea Súp), 4 xã biên giới, 49 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) còn rất nhiều khó khăn.
Đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống
Ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành,Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai và đề ra các giải pháp để Chỉ thị sớm đi vào cuộc sống, người dân được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong kế hoạch phát triển KTXH hàng năm. Trong đó chú trọng việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển KTXH, giảm nghèo bền vữngcủa địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH.
UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành Nông nghiệp, ngành Lao động - Thương binh và các cơ sở dạy nghề tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Bám sát định hướng phát triển KTXH theo vùng miền cũng như phát triển các sản phẩm chủ lực tại địa phương để phân bổ nguồn vốn cho vay theo định hướng tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để từ đó nhân rộng mô hình…
Những thành quả bước đầu
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ năm2015 đến nay đạt hơn 14.943 tỷ đồng, với trên 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt gần 10.183 tỷ đồng. Đến 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 7.745 tỷ đồng, tăng 4.744 tỷ đồng so năm 2014, với hơn 169 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt gần 46 triệu đồng, tăng 28 triệu đồng so năm 2014. Trong đó dư nợ tập trung một số chương trình lớn như: tín dụng hộ nghèo; tín dụng hộ cận nghèo; tín dụng hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tín dụng đối với vùng khó khăn.v.v…
Theo ông Đào Thái Hòa- Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó đã tập trung ưu tiên cho khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Qua đó giúp gần 111 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động (436 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng gần 445 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP, hơn 4,8 nghìn hộ DTTS vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn. Góp phần hoàn thành 78 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,83% năm 2016 xuống còn 6,34% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) và xuống còn 9,15% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Tính bình quân hàng năm tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 1,5->2%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3->4%.
Các chương trình tín dụng CSXH cũng đã có tác động rất lớn và tích cực đến việc thực hiện các chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và Miền núi trên địa bàn. Ngoài ra, tín dụng CSXH còn góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng CSXH có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội”.
Có thể nói, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tại Đắk Lắkcác chương trình tín dụng chính sách đã đạt được những kết quả quan trọng, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định Chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.