Sáng ngày 16/8, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo, Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội.
Dù đã có những kết quả đáng ghi nhận, song quy mô tín dụng chính sách xã hội hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội. Vẫn còn nhiều lao động và người khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vốn chính thống, nhiều người lao động hiện vẫn phải "vay nóng", vay từ "tín dụng đen".
Nên mở rộng đối tượng cho vay
Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn, đã trở thành "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân.
Tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dữ liệu thống kê cho biết đến hết tháng 7, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325.000 tỷ đồng, tăng hơn 190.000 tỷ đồng, tức gấp 2,4 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%.
Trong đó, ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến nay đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.
Ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nói : "Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay".
Trong khi đó, ông Hầu A Lềnh - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 4,7% dân số, nhưng sống tại 3/4 diện tích cả nước và chiếm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 60% cả nước. Đây là đối tượng quan trọng của chính sách tín dụng. Gần 30 năm qua, người dân tộc thiểu số đã được hưởng thụ chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo của NHCSXH.
Đặc biệt, việc thiết kế chính sách hỗ trợ tín dụng ở từng giai đoạn đã giúp thay đổi về tư duy, nhận thức, ý chí sự vươn lên của đồng bào. Có 20 chính sách liên quan tín dụng đang áp dụng với người dân tộc thiểu số, tác động trực tiếp, từng ngày từng giờ, giúp phát triển kinh tế, tăng lao động việc làm, cải thiện cuộc sống.
Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là gần 109.000 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng.
Dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dù đã có những kết quả đáng ghi nhận, song quy mô tín dụng chính sách xã hội hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội. Vẫn còn nhiều lao động và người khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vốn chính thống.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng quy mô nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cần được tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi trong thời gian 5 năm, 10 năm tới. Đồng thời, cần nghiên cứu nâng định mức vay cao hơn, thời gian vay dài hơn, mở rộng đối tượng cho vay sang người có thu nhập rất thấp, cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình...
Bổ sung thêm nguồn vốn
Đứng ở góc độ địa phương ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, khi phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khả năng đáp ứng về lao động nhất là lao động qua đào tạo rất khó khăn, đòi hỏi phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân.
Do vậy, ông Thái đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, báo cáo và đề xuất với Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mở rộng đối tượng cho vay để đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm.
Ông Đỗ Ngọc An – Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương phân tích: cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu sử dụng cho vay trung dài hạn (dư nợ trung, dài hạn chiếm 99,4%) với một số chương trình có thời hạn cho vay dài, tối đa đến 25 năm; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tại một số địa phương có xu hướng gia tăng.
Về việc bổ sung nguồn vốn chính sách, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện ngân hàng đề xuất nâng hạn mức bảo lãnh của Chính phủ đối với trái phiếu của NHCSXH lên cao hơn nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng này hàng năm nhằm góp phần tăng quy mô tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn cho NHCSXH.
Còn Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thì nói nguồn vốn chính sách dựa chủ yếu từ 2% số dư tiền gửi của các ngân hàng thương mại Nhà nước, chiếm hơn 60% tổng nguồn vốn của NHCSXH. Ngoài ra, còn có nguồn từ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, vốn ngân sách từ chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu.
"Dù vậy, nguồn vốn này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nhiều địa phương và cơ chế bố trí nguồn vốn cũng chưa được nhanh nhạy, kịp thời... Do đó, cần có những chỉ đạo từ Trung ương về bố trí nguồn lực vốn cho NHCSXH chủ động hơn, có tính lâu dài hơn", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Phó Thống đốc, nguồn lực về con người cũng là vấn đề đặt ra khi bộ máy cán bộ NHCSXH tại nhiều địa phương làm việc với cường độ lớn, quá tải nhất là tại vùng sâu, xa... Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế, chính sách cũng cần phải quan tâm.