Sau khi Báo Đại Đoàn Kết có 2 bài phản ánh “Nơm nớp nỗi lo lở núi” và “Công trình chống sạt lở gây sạt lở nghiêm trọng”, chiều 30/12, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết: Bước đầu xã đã tiến hành khắc phục công trình sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, kiểm tra, rà soát các vị trí nguy hiểm, tổ chức cắm biển cảnh báo, không để người và gia súc đi vào khu vực có nguy cơ sạt lở…
Cụ thể, trong những ngày mưa bão, UBND xã Hà Lĩnh đã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai và tình hình sạt lở, thông tin kịp thời đến người dân sinh sống trong khu vực để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tiếp đó, đơn vị đã rà soát, giải tỏa ngay công trình do các hộ dân đang lấn chiếm, xây dựng trái phép dưới chân núi (khu vực có nguy cơ sạt lở) là công trình chuồng trại, tường bao, đồng thời dừng việc chăn nuôi tại khu vực vi phạm. UBND xã Hà Lĩnh cũng đã triển khai thông báo trên hệ thống truyền thanh đến các điểm có nguy cơ sạt lở để người dân được biết, chủ động phòng tránh.
Để đảm bảo giữ vững an toàn cho nhân dân sinh sống trong khu vực và bảo vệ cảnh quan môi trường, UBND huyện Hà Trung đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Hà Lĩnh kiểm tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để trình phê duyệt xử lý các điểm sạt lở.
Theo ghi nhận tại hiện trường, bước đầu, UBND xã Hà Lĩnh cũng đã tiến hành một số biện pháp khắp phục nguy cơ sạt lở ban đầu như cắm biển cảnh báo tại km+800- km6+00 dọc QL217. Tại một số khu vực nhà dân đã có kè chống sạt lở, ngăn khối lượng đất đá từ trên đồi đổ xuống khu vực vườn và phía sau nhà. Đối với phần đất đá sạt lở xuống sát công trình nhà dân, UBND xã Hà Lĩnh xác định đây là khu vực người dân lấn chiếm để xây dựng chuồng trại, vì vậy đã tổ chức tháo dỡ, giải tỏa công trình vi phạm.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh cho biết: Tại buổi kiểm tra gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh đã xác định vị trí phía sau nhà dân đến khu vực sạt lở là 40 m, đảm bảo khoảng cách an toàn.
“Khi triển khai làm dự án trên, đồng thời xã phải thực hiện giải phóng mặt bằng cho tuyến Cao tốc Bắc - Nam, đoạn đi qua xã có chiều dài lên tới 4-5 km, gần như cả hệ thống chính trị tại xã phải vào đây để làm cho kịp tiến độ. Bởi vậy, xã đã không sát sao, giám sát chặt chẽ việc thi công của nhà thầu nên dẫn đến hệ luỵ. Ý thức được trách nhiệm của chủ đầu tư, sau khi Báo Đại Đoàn Kết và người dân phản ánh, chúng tôi đã khẩn cấp tiến hành nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho 12 hộ dân sống dưới chân núi trong đợt mưa bão vừa qua”.
Về biện pháp lâu dài để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh cho biết: “Tới đây, xã sẽ tiến hành thu gom khối lượng đất đá ở dưới chân núi, đồng thời có báo cáo lên huyện, tỉnh để xin ý kiến về việc xử lý dứt điểm các khu vực có nguy cơ sạt lở tại thôn Thanh Xá 3.
Để đảm bảo an toàn lâu dài cho người dân, phía xã đang trưng cầu giải pháp từ Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa để đảm bảo yếu tố chuyên môn và kỹ thuật, rất mong các ngành chức năng của huyện, tỉnh sớm quan tâm, chỉ đạo và có biện pháp xử lý dứt điểm khu vực có nguy cơ sạt lở trên”.