Bộ Tài chính đề xuất một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. Làm sao đảm bảo đúng chính sách hỗ trợ đúng đối tượng nhằm mục tiêu về hỗ trợ, phát triển DN phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã có trao đổi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Quốc Hưng.
PV:Xin ông cho biết lí do vì sao tại dự thảo Nghị quyết này, Bộ Tài chính lại đề xuất các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ mà không bao gồm cả DN vừa?
Ông Nguyễn Quốc Hưng: Việc Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ để áp dụng các chính sách ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ như nêu tại dự thảo Nghị quyết nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Thực tế là số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn trong tổng số DN tại Việt Nam và nếu tính cả số lượng DN có quy mô vừa thì nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số DN tại Việt Nam. Nếu việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cả nhóm DN vừa thì gần như toàn bộ DN tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa DN vừa với các DN nhỏ, DN siêu nhỏ trong khi nhóm DN vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm và nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước hơn 19.500 tỷ mỗi năm.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định đối tượng DN để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc: Hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là tránh tình trạng ưu đãi tràn lan, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi tập trung dành cho các đối tượng DN nhỏ và siêu nhỏ, là những đối tượng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông có thể chia sẻ một số nội dung chính trong các chính sách thuế mà Bộ muốn đề xuất?
- Việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với từng đối tượng cần đảm bảo mức độ khuyến khích (đặc biệt là khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN), giúp DN có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách nhà nước và đảm bảo công tác quản lý. Do vậy, để tiếp tục khuyến khích phát triển DN theo chủ trương của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính đã đề xuất DN nhỏ và DN siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15%, nội dung cụ thể là: Áp dụng thuế suất 15% đối với trường hợp DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Áp dụng thuế suất 17% đối với trường hợp DN nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Đồng thời, để tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích các đối tượng là hộ kinh doanh chuyển lên DN mà theo đánh giá đây là nhóm đối tượng cần tập trung khuyến khích theo mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi cho các đối tượng này theo hướng: Miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Bộ Tài chính đánh giá thế nào về những tác động khi các nội dung của dự thảo Nghị quyết này được áp dụng vào thực tiễn?
- Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.700 tỷ đồng mỗi năm; giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ khoảng 6.500 tỷ đồng mỗi năm). Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính và về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật Thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế...
Trân trọng cảm ơn ông!