Đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực và đúng quy định theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương của MTTQ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai và Lạng Sơn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý, về đề án nhân sự, phải thể hiện rõ phần phân tích cơ cấu yêu cầu tỷ lệ ngoài đảng, nữ, trình độ… sắp xếp lại cơ cấu theo đúng quy định điều lệ của Mặt trận.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc.
Ngày 4/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì duyệt Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2019-2024 MTTQ 4 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai và Lạng Sơn.
Chiều 4/6, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nông Lương Chấn cho biết: Dự kiến Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2019- 2024 diễn ra trong 2 ngày 11, 12/7.
Theo ông Nông Lương Chấn, trong nhiệm kỳ qua, các cuộc vận động lớn của Mặt trận tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, góp phần khơi dậy các nguồn lực, truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở.
Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền có bước phát triển mới quan trọng, đã hình thành rõ hơn về cơ chế và phương thức để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ các cấp trong hệ thống chính trị. Dân chủ cơ sở được tăng cường, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy.
Công tác đối ngoại nhân dân ngày càng mở rộng và phát triển, góp phần tăng thêm tình cảm hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với nhân dân các nước góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước. Phương thức hoạt động của hệ thống MTTQ các cấp có nhiều đổi mới, công tác phối hợp hoạt động với các cơ quan Nhà nước, tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ MTTQ từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong tình hình hiện nay.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần cho biết: Ngày 26/4 vừa qua, tỉnh Lào Cai đã kết thúc thành công đại hội cấp huyện và dành thời gian chuẩn bị Đại hội MTTQ cấp tỉnh. Dự kiến đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2019-2024 được tổ chức vào ngày 27, 28/6 với chủ đề “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển”.
Nhấn mạnh kết quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2014-2019, ông Giàng Seo Vần cho biết: Với công tác giám sát, phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ triển khai Quyết định 217,218. Mỗi năm tỉnh Lào Cai cấp kinh phí 5 tỷ đồng dành cho Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã. Nội dung triển khai thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước ở cơ sở ngày càng khẳng định vai trò rõ nét của Mặt trận.
Theo ông Giàng Seo Vần, đề án nhân sự nhiệm kỳ tới cũng thể hiện chất lượng nhân sự cao hơn nhiệm kỳ trước với đầy đủ các cơ cấu, thành phần tham gia đảm bảo sự hài hoà. Đặc biệt, yêu cầu đối với các Uỷ viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai cần nắm vững phương hướng, nhiệm vụ của Mặt trận cấp trên. Có năng lực tham gia xây dựng, đề xuất bổ sung, điều chỉnh chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân. Nhiệt huyết, nêu cao tinh thần đoàn kết, có kinh nghiệm và uy tín cao trong tổ chức.
Quang cảnh buổi làm việc của Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh với MTTQ tỉnh Điện Biên.
Sáng cùng ngày, báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lai Châu Tẩn Vản Pao cho biết: nhiệm kỳ 2014-2019, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc. Phát huy được tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó làm tốt công tác phát huy , đại diện và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, làm “cầu nối” giữa cấp uỷ, chính quyền với các tầng lớp nhân dân.
Với đặc điểm là tỉnh biên giới, ông Tẩn Vản Pao nhấn mạnh, việc mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân nội dung của Luật Biên giới Quốc gia, hiệp định về quản lý biên giới, hiệp định cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc gắn với nhiệm vụ của địa phương về phát triển kinh tế xã hội. Củng cố quốc phòng an ninh về chủ quyền biên giới, lãnh thổ. Phối hợp với nhân dân tích cực tham gia phong trào tự quản vùng biên, mốc giới. Đẩy mạnh giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội, tham gia xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị với nhân dân nước bạn, tạo điều kiện thuận lợi để góp phần phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo ổn định tình hình chính trị và chủ quyền quốc gia…
Theo ông Tẩn Vản Pao, dự kiến đại hội sẽ diễn ra ngày 2, 3/7, về mục tiêu, chương trình hành động của MTTQ tỉnh Lai Châu trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ tỉnh Lai Châu phấn đấu hoàn thành cơ bản các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại các xã xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết. Cùng với đó, 100% nạn nhân gặp thiên tai, sự cố nghiêm trọng được cứu trợ kịp thời. Với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, 95% MTTQ thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hằng năm MTTQ các cấp chủ trì giám sát từ 1-2 nội dung trở lên.
Tại buổi duyệt đại hội của MTTQ tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên Lò Văn Mừng báo cáo kết quả nổi bật cũng như những hạn chế của MTTQ tỉnh Điện Biên trong nhiệm kỳ qua. Đại hội đại biểu MTTQ nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ diễn ra vào ngày 25,26/6.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực và đúng quy định theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương của MTTQ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, MTTQ các tỉnh phải làm sao để phần thảo luận trực tiếp tại đại hội các đại biểu phải tham gia đóng góp sôi nổi vào nội dung báo cáo chính trị, kiểm điểm của Ban Thường trực, tổng hợp các ý kiến tham gia đóng góp vào văn kiện đại hội, góp ý vào Dự thảo sửa đổi điều lệ. Cùng với đó, các báo cáo tại đại hội phải đảm bảo tính khái quát, đánh giá sâu sắc kết quả đóng góp của Mặt trận vào hệ thống chính trị của địa phương, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho nhiệm kỳ tới.
Về đề án nhân sự, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý, đề án nhân sự phải thể hiện rõ phần phân tích cơ cấu yêu cầu tỷ lệ ngoài đảng, nữ, trình độ… sắp xếp lại cơ cấu theo đúng quy định điều lệ của Mặt trận. Đối với thành phần tôn giáo phải lựa chọn người tiêu biểu. Đối với các tổ chức thành viên trong điều lệ Mặt trận quy định rõ phải là người đứng đầu tổ chức thành viên tham gia Ủy ban MTTQ cùng cấp, trong trường hợp đặc biệt mới cử lãnh đạo đại diện. Mặt trận là liên hiệp tự nguyện của các tổ chức, muốn thể hiện liên hiệp tự nguyện có nghĩa là người đứng đầu tổ chức đó phải được tham gia.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, MTTQ các tỉnh xây dựng kịch bản rõ ràng, cụ thể điều hành đại hội. Việc chọn Đoàn Chủ tịch Đại hội phải đảm bảo được cơ cấu thành phần tiêu biểu. Về báo cáo chính trị, phần đánh giá các tầng lớp nhân dân, khối đại đoàn kết các dân tộc, cần lưu ý việc đánh giá tập hợp các đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên được tỷ lệ bao nhiêu để ta thấy sự vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tình hình đồng bào các dân tộc của tỉnh cần đánh giá sâu sắc hơn nữa.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, trong công tác tuyên truyền, MTTQ cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn, làm rõ được tinh thần chủ đề đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển, tập trung sự quan tâm của toàn xã hội. Tuyên truyền cũng phải nhấn mạnh được kết quả của MTTQ trong thời gian qua. Phải nêu bật trách nhiệm của Mặt trận và đoàn thể trong vai trò cầu nối tăng niềm tin, đồng thuận trong nhân dân.