Đảm bảo năng lượng trong thời kỳ mới

H.Vũ 25/07/2023 06:26

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang làm việc với các cơ quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, từ đó đưa vào nghị quyết giám sát.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, trong giai đoạn 2016-2021, công tác cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, có những thách thức trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Từ đó, Bộ Công thương kiến nghị cần điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Luật Điện lực để phù hợp với bối cảnh phát triển mới của ngành điện lực nói chung và năng lượng xanh, sạch nói riêng đạt được hiệu quả theo yêu cầu, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cần có đánh giá, xây dựng các tiêu chí xác định lĩnh vực được ưu đãi, luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam làm tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững, thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển điện lực.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, một số luật, văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành kịp thời, một số nội dung không phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, một số văn bản thay đổi trong thời gian ngắn, thiếu tính dự báo, làm cho việc triển khai thực hiện bị động, lúng túng.

Còn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, PVN đã và đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Hiện chưa có quy định của pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt cước phí vận chuyển khí qua các hạ tầng khí. Đối với chuỗi dự án khí tự nhiên trong nước, hiện chưa có quy định pháp lý, hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc bao tiêu một phần hoặc toàn bộ lượng khí khai thác ở thượng nguồn của các nhà máy điện, ảnh hưởng đến hiệu quả và tiến độ của cả chuỗi dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá, trong lĩnh vực năng lượng, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi, đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đây cũng là chủ đề thời sự, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội quan tâm; có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa rất lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nói chung và phát triển ngành điện nói riêng.

Thực tế thì Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đã đặt ra mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để bảo đảm an ninh năng lượng trong thời kỳ mới.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, về giải pháp, muốn có nguồn cung thay thế phải có kế hoạch dự phòng, nếu không kế hoạch dự phòng khi gặp khủng hoảng về năng lượng sẽ rơi vào tình huống bắt buộc phải mua năng lượng từ các nguồn đắt đỏ. Vấn đề cung cấp điện cũng phải có sự ổn định. Nguồn cung dồi dào nhưng giá điện lên ở mức quá cao sẽ tạo ra sự bất ổn. Vì thế giá điện trong nước cần có sự ổn định.

Ông Hiếu cũng kiến nghị cần có các nguồn năng lượng thay thế. Ví dụ điện gió và điện mặt trời. Các nguồn năng lượng sạch sẽ dần thay thế nguồn năng lượng từ hóa thạch như than, dầu, khí đốt vì đây là nguồn năng lượng đang dần bị cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường.

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Hội đồng thẩm định quốc gia Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng yêu cầu tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời cập nhật số liệu, tình hình hiện tại về cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, xu thế chuyển đổi năng lượng nhằm dự báo cho tương lai. Có những giải pháp để tận dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí đốt) có hiệu quả kinh tế cao nhất. Phát triển các nguồn năng lượng mới có thể khai thác trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo năng lượng trong thời kỳ mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO