Đảm bảo nguồn cung xăng dầu

PHƯƠNG CHI 28/08/2022 07:58

Trước nguồn tin phản ánh mấy ngày gần đây, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương của địa phương về việc tạm dừng kinh doanh, do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận, Bộ Công Thương vừa đưa ra một số giải pháp nhằm ổn định thị trường, không để đứt gãy nguồn cung.

Nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước từ nay tới cuối năm luôn được bảo đảm.Ảnh: Quang Vinh.

Nguồn cung trong nước đáp ứng từ 75 - 80%

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin: Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu thế giới căng thẳng, có nguy cơ đứt gãy thì trong nước nguồn cung xăng dầu luôn được bảo đảm, không có tình trạng đứt gãy. Cùng với đó, giá các mặt hàng xăng dầu của Việt Nam cơ bản được giữ ổn định, bao giờ cũng thấp hơn giá của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo quy định, kỳ điều hành tới dự kiến vào ngày 5/9, thay vì ngày 1/9 do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Ngày 26/8, Bộ Công Thương yêu cầu các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu không được tạm dừng bán với lý do không chính đáng. Nhưng nếu trì hoãn ngày điều hành giá, chủ đại lý bán lẻ xăng dầu dự báo, nhiều nơi treo biển hết nhiên liệu như hồi đầu năm do nguồn hàng khan hiếm.

Bộ Công Thương đã nắm bắt tình hình sớm nên đã có văn bản chỉ đạo thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp có phương án tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đã tham mưu, đề xuất điều tiết các khoản thuế một cách phù hợp, sử dụng hiệu quả, hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng, dầu…

Dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mấy ngày gần đây, sau khi 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tạm tước giấy phép kinh doanh, lại xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội cho là thiếu hụt nguồn cung. “Điều này là không bình thường, cần kiểm tra làm rõ và xử lý theo quy định. Hai nhà máy máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn đang ổn định sản xuất, cung cấp khoảng 80% nguồn xăng dầu trong nước. Hoạt động nhập khẩu đã được chủ động và giao từ sớm cho các doanh nghiệp nên khẳng định nguồn cung bảo đảm phục vụ thị trường trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.

Làm rõ hơn về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75 - 80% nhu cầu, còn lại là nhập khẩu.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu m3/tháng), và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu m3/tháng).

Về nhập khẩu, ước nhập khẩu xăng dầu trong tháng 8/2022 đạt khoảng 520.000 m3, dự kiến các tháng cuối năm mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 500.000 m3/tháng. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước khoảng 1,6 - 1,7 triệu m3/tháng. “Với nguồn cung xăng dầu như trên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước”, ông Đông nói.

Vì sao xuất hiện những tin đồn thất thiệt?

Lý giải những tin đồn thất thiệt về tình trạng xăng dầu có thể khan hiếm trở lại như hồi đầu năm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, vấn đề nổi lên hiện nay là mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhiều đại lý bán lẻ kêu khó nhập hàng và hoa hồng giảm về 0 khiến họ lỗ nặng.

Cụ thể, sau kỳ điều hành ngày 22/8, mức hoa hồng rớt nhanh từ 300-600 đồng một lít (tùy khu vực), thậm chí có nơi xuống còn 0 đồng. Hoa hồng là mức chiết khấu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng dầu.

Tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, hầu hết đại lý đều phản ánh kinh doanh thua lỗ. Giám đốc một doanh nghiệp có 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương cho hay giá xăng xuống thấp khiến các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu giảm chiết khấu về 0. Do đó, công ty của vị giám đốc này đang chịu lỗ 500-600 đồng một lít.

Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn - đơn vị đang sở hữu 11 cửa hàng và 21 đại lý bán lẻ ở TPHCM, thậm chí còn lỗ nặng ở mức 1.000 đồng một lít xăng.

Không chỉ các đại lý trên, nhiều đại lý tại Hà Nội và miền Tây cũng chung cảnh ngộ. Họ tính toán, mức chiết khấu phải duy trì được ở mức 600-1.200 đồng một lít xăng, dầu thì mới đảm bảo được hòa vốn, sau khi trừ đi chi phí nhân công, vận chuyển, hao hụt... Bên cạnh thua lỗ nặng do không có chiết khấu, nhiều đại lý còn cho biết thị trường đang đứt gãy nguồn hàng cục bộ.

Kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý vi phạm

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên một lần nữa khẳng định, nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước từ nay tới cuối năm luôn được bảo đảm. Để ổn định thị trường, tránh những thông tin không đúng về tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng đã yêu cầu sở công thương các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tiến hành tổng kiểm tra, rà soát cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, yêu cầu cơ sở kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm những quy định về kinh doanh xăng dầu, có kế hoạch nhập hàng để bảo đảm duy trì bán hàng liên tục.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã qua 22 kỳ điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng, 8 lần giảm và 1 lần giữ nguyên giá bán. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm hơn 6.200 đồng. Giá xăng hiện đã trở lại ngưỡng ngang bằng cuối năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các cục quản lý thị trường địa phương chủ trì hoặc phối hợp với Sở Công Thương và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất để kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm những quy định về kinh doanh xăng dầu, có kế hoạch nhập hàng từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục xăng, dầu cho thị trường; trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ quy định, Bộ Công Thương sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.

Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng, dầu cho thị trường.

Linh hoạt điều hành giá

Về phía chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, cần linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu những tháng cuối năm, và quan trọng phải đảm bảo nguồn cung, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung như thời gian trước đây. Thứ hai, theo dõi giá cả thế giới để có chính sách phù hợp trong giai đoạn hiện nay, như mốc giá dầu ở ngưỡng 90 - 110 USD/thùng, xăng ở mức 120 - 140 USD/thùng. Như vậy, giá ổn định thì trích lập quỹ bình ổn để dự phòng những trường hợp phát sinh cú sốc bất chợt.

Sau một thời gian khi quỹ bình ổn tương đối lớn, thì liên bộ lại có thể nới ra ít để giá xăng dầu giảm xuống chút nữa. Tất nhiên, cũng phải có kịch bản đa dạng, ví như Nga không xuất khẩu nữa hoặc giảm nguồn cung, phải có cả kịch bản giá dầu tăng lên 140 - 150 USD/thùng. “Điều quan trọng nhất là làm sao cho thị trường và người dân hiểu được rằng, giá xăng dầu là tăng theo giá thế giới, thuế xăng dầu của Nhà nước là thấp, nếu Chính phủ hỗ trợ thì đã hỗ trợ rồi, còn nếu giá dầu tăng lên ngưỡng 140 - 150 USD/thùng thì cần thiết hỗ trợ ngành nghề, để hỗ trợ đúng người, đúng việc, đúng mục tiêu chứ không hỗ trợ tràn lan”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Mặt khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giảm giá xăng dầu trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân. Giảm giá xăng dầu đồng nghĩa với làm giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo nguồn cung xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO