Tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra chiều 21/2, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia góp ý sâu vào các điều, khoản của dự thảo Luật, hướng đến tính hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của các quy định.
Theo ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này có rất nhiều điểm mới, tiếp thu góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và nhân dân. Dự thảo Luật đã thể chế hóa chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực cho rằng cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không? Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" thì mới khắc phục được hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.
Thỏa thuận quyền sử dụng đất là một quyền dân sự, nhưng việc thỏa thuận gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các dự án đô thị, nhà ở thương mại là nội dung liên quan đến lợi ích chung, không phải “cốt ở đôi bên” nữa mà phải bảo đảm nguyên tắc và quản lý của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, công bằng, hài hòa lợi ích và mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất. Thực tế, các dự án đô thị, nhà ở thương mại nếu chỉ mình chủ đầu tư cũng không thực hiện được nếu nhà nước không làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Ở góc độ khác, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, tại điều 155, 156 của dự thảo Luật, quyền quyết định giá đất cụ thể lại giao cho UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thành phần hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cũng không có đại diện của Hội đồng nhân dân (cấp tỉnh, cấp huyện). Như vậy, Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu nhưng lại giao cho cơ quan hành chính nhà nước quyết định chứ không phải do Quốc hội, hội đồng nhân dân (cơ quan đại diện cho dân) quyết định hoặc được tham gia thành phần hội đồng thẩm định giá đất.
Ông Điển đề xuất nên tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu và quyền năng quản lý Nhà nước (quản lý xã hội), sau đó thiết kế phân quyền (chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền) cho hai cơ quan tương ứng, quyền đại diện chủ sở hữu thì giao cho Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính Nhà nước thì giao cho Chính phủ, UBND các cấp. Như vậy mới đảm bảo tính độc lập, khách quan và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.
Góp ý vào Điều 5 quy định về người sử dụng đất, ông Điển cho rằng, đối với đối tượng là “hộ gia đình” (quy định tại khoản 2), mặc dù dự thảo đã làm rõ các nội hàm khái niệm “hộ gia đình sử dụng đất” qua các tiêu chí: gồm những người có quan hệ (hôn nhân: vợ, chồng; huyết thống: bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ; nuôi dưỡng: bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi) theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, và “có quyền sử dụng đất, trong đó quan trọng nhất là có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Nhưng qua thực tế áp dụng đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc khi ghi nhận quyền sử dụng đất cho “hộ gia đình”. Vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”.