Sáng 16/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tập trung vào các vấn đề chính
Để phát huy trí tuệ của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân thông qua các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác; ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các dân tộc, các tôn giáo.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà đề nghị đại biểu tập trung góp ý các vấn đề chính như: Phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày của dự thảo.
Việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về sở hữu toàn dân về đất đai; quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước và quyền của nhân dân được sử dụng đất công bằng, hiệu quả và bền vững. Vai trò chủ thể của nhân dân, của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong các quy định của dự thảo Luật đất đai. Đề xuất bổ sung, hoàn thiện.
Chú trọng vào các quy định về trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.
Chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; các quy định về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; về hộ gia đình sử dụng đất…
“Ngoài ra, đề nghị các cơ quan, địa phương, các chuyên gia nghiên cứu, đề xuất các nội dung khác được quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nhưng chưa phù hợp với thực tiễn để góp ý”, bà Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
Với phương châm tổ chức dân chủ, khoa học, công khai, chất lượng, thiết thực, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn với tinh thần, trách nhiệm cao, phát huy trí tuệ, tâm huyết của từng đại biểu.
Tại hội nghị, đại biểu tập trung góp ý một số vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, đơn vị, tổ chức; việc xác định giá đất để thu hồi GPMB, tái định cư; giao đất cho hộ gia đình; giao đất không thu tiền; giải quyết tồn đọng…
Ngoài ra, đại biểu bàn luận về bất cập, chồng chéo giữa Trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất với ngành TN&MT các cấp.
Cụ thể, theo ông Võ Tá Đinh, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh góp ý: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định giá bồi thường GPMB cần cụ thể hơn, mức thuế sử dụng đất cao hơn… để phù hợp với thực tiễn.
Bố cục của dự thảo hợp lý khi đưa quyền và lợi ích hợp pháp về quyền sử dụng đất của người dân lên trước tiên. Trình tự, điều khoản cụ thể, khoa học. Tuy nhiên, theo ông Đinh, một số điều trong dự thảo cần đưa quyền lên trước rồi mới đến nghĩa vụ.
Theo ông Võ Tá Đinh, mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với ngành TN&MT các cấp đã giải quyết được nhiều bất cập trước đây, tuy nhiên, do mới vận hành bước đầu còn bỡ ngỡ, chưa nhuần nhuyễn.
“Điều quan trọng là phải quản lý hiệu quả ở cơ sở, nâng cao năng lực cán bộ địa chính cấp xã, dữ liệu ban đầu ở từng địa phương phải rõ ràng, chính xác thì hiệu quả quản lý đất đai mới cao” - ông Võ Tá Đinh nhấn mạnh.
Đại diện Hội luật gia tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo hành lang pháp lý, phù hợp nền kinh tế thị trường.
Góp ý cụ thể, đại diện Hội luật gia tỉnh Hà Tĩnh đề nghị tại Chương XI nên bổ sung quy định miễn giảm cho thuê đất các lĩnh vực giáo dục, y tế, các đơn vị lực lượng vũ trang, quân đội, công an…
Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, cần xem xét tăng tính ổn định bảng giá đất trong vòng 3 năm thay vì 1 năm như dự thảo và chỉ thay đổi trong hạn mức khoảng 10-20% để tránh xáo trộn thị trường, quyền lợi của người sở hữu đất.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lộc Hà góp ý: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bãi bỏ Điều 100, Luật đất đai 2013, dự thảo không có điều khoản quy định về giải quyết tồn đọng. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các địa phương.
“Dự thảo không có quy định về giao đất không thu tiền về đất ở mà chỉ giao đất không thu tiền đối với đất nông nghiệp, việc này sẽ dẫn đến bất cập ở địa phương. Ví dụ, Mặt trận muốn hỗ trợ gia đình chỉ có 1 nhân khẩu làm nhà Đại đoàn kết nhưng người này không có đất và không được giao thì Mặt trận không biết hỗ trợ hộ dân này như thế nào. Thực tế ở Lộc Hà đã có sự việc tương tự”, bà Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch MTTQ huyện Lộc Hà cũng đề nghị dự thảo bổ sung quy định về hỗ trợ việc làm sau thu hồi, bồi thường GPMB; công tác dồn điền đổi thửa; giao đất không qua đấu giá…
Tham gia ý kiến góp ý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà Trần Danh Vinh đề nghị Sở TNMT Hà Tĩnh cần phân định rõ phần việc và cách vận hành giữa ngành chuyên môn TN&MT ở huyện với Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện nhiệm vụ đúng quy định, tránh chồng chéo, bất đồng.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn giải thích một số thắc mắc của đại biểu đồng thời cho biết ngành đang yêu cầu các phòng, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, tham gia góp ý một cách bài bản, khoa học và sát với thực tiễn.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng nhận định Điều 100, Luật Đất đai 2013 bị bãi bỏ thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được phê duyệt thì sau đó sẽ phải tiếp tục bổ sung, điều chỉnh.
Theo ông Lê Ngọc Huấn, để việc quản lý đất đai hiệu quả, phải điều chỉnh ngay cán bộ địa chính cấp xã, nâng cao năng lực của Chủ tịch UBND cấp xã.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia mong muốn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và các địa phương, đơn vị tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến tận cấp xã và nghiên cứu từng điều luật cụ thể để góp ý.
Theo ông Gia, dự thảo còn có khoảng 15 đến 16 nhóm vấn đề cần góp ý. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh, bồi thường, GPMB phải làm nhiều và thời gian qua thực hiện rất tốt, các địa phương đến học hỏi kinh nghiệm thường xuyên. Đây là thế mạnh của Hà Tĩnh vì thế cần cụ thể hóa bằng luật để triển khai hiệu quả trên toàn quốc.
Ông Trần Đinh Gia cũng cho rằng, nhiều người đang băn khoăn về sự chồng chéo, bất cập giữa các bộ luật, ví dụ như Luật Quy hoạch và Luật Đất đai nên áp dụng theo bộ luật nào. Thực tế Luật Quy hoạch có trước nên phải nghiên cứu, sửa đổi, góp ý để các bộ luật không bị khập khiễng.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân cho biết: Hội nghị đã nhận được 12 ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Các phát biểu đã đối chiếu rất kỹ ở thực tiễn và cung cấp nhiều thông tin hữu ích để việc góp ý phát huy hiệu quả.
Theo ông Tân, từ hội nghị này có thể mở rộng thêm một cách nhìn để tham gia góp ý là đối chiếu các luật khác liên quan đến luật đất đai để tạo sự đồng bộ gữa các bộ luật.
“Đây là hội nghị mở đầu chiến dịch lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) nên sẽ góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, lan tỏa ý thức, trách nhiệm đến tận người dân”, ông Trần Nhật Tân nói.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, đoàn viên, hội viên với nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở tổ chức hội nghị. Đồng thời không tổ chức lồng ghép với các đơn vị, tổ chức khác.
Khi lấy ý kiến, cần gợi mở, đề dẫn các vấn đề cụ thể để người dân góp ý và có thể vạch ra những nội dung bất cập để người dân tập trung suy nghĩ, thảo luận, góp ý.
"MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến một cách khách quan, khoa học, sát với thực tiễn để trình cấp có thẩm quyền theo quy định", ông Trần Nhật Tân nhấn mạnh.