Ngày 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh. Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương), pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Bởi trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.
Liên quan đến các hành vi bị cấm, ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề nghị bổ sung thêm quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quá khổ, quá tải trái quy định. Vì đây là hành vi khá phổ biến phát sinh trong quá trình tham gia giao thông, nếu không có quy định này thì sẽ gây khó khăn cho thanh tra giao thông đường bộ trong quá trình xử lý hành vi vi phạm. ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cũng đề nghị, bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông quá khổ, quá tải, để góp phần bảo vệ tốt công trình đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông.
Về vận tải hành khách bằng xe ô tô, ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) đề nghị có giải pháp và chế tài chặt chẽ hơn nữa để gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe bị vi phạm. Đồng thời bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin hồ sơ của những lái xe dương tính với chất ma túy để có thể chia sẻ với tất cả các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để kiểm tra khi tuyển dụng.
Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vấn đề liên quan đến việc dự án Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đó, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, quy định này tác động nhiều đến người tham gia giao thông. Do đó, cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng chuyên ngành như Bộ Y tế, và các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này.
ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, khi ông tiếp xúc cử tri, người dân rất băn khoăn về vấn đề này. “Người dân kiến nghị là đồng ý phải xử phạt các hành vi uống rượu gây tai nạn. Nhưng thực tế cho thấy rượu bia, nồng độ cồn chỉ có tác hại khi uống quá đà, còn khi chưa quá thì chưa phải là gây nguy hiểm. Do đó đề nghị theo hướng có mức nào đấy thì mới cấm” - ông Tám nói.
ĐBQH Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cũng cho rằng, không nên quy định cấm một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật cũ. Nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở. Khi vượt qua mốc đó thì mới phạt. Có chăng thì quy định cấm tuyệt đối đối với người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, công việc chính là lái xe dịch vụ, lái xe hợp đồng các cơ quan tổ chức Nhà nước, xe kinh doanh và thu nhập chính từ nghề lái xe thì phải cấm tuyệt đối. Đây yêu cầu là tình tiết tăng nặng.
Tuy nhiên, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) lại ủng hộ quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bà Ngọc cho rằng: Trong thời gian qua Bộ Công an đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế các vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần xây dựng nhận thức thói quen của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe.
Cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi).