Sáng 2/11, bên hành lang kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị; nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết về sự thống nhất, cần thiết của Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII mới được ban hành.
Ông Phạm Thế Duyệt trả lời báo chí bên hanh lang Quốc hội ngày 2/11.
PV:Nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết TƯ4 lần này có điểm mới nổi bật là lần đầu tiên hệ thống được những biểu hiện của hiện tượng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ Đảng. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Ông Phạm Thế Duyệt: Những nội dung, quan điểm về việc chỉnh đốn Đảng nêu ra tôi thấy là thống nhất, nhất quát từ những khoá trước, nhưng lần này khác là nói cụ thể và chi tiết về từng vấn đề phải quan tâm.
Đến Nghị quyết này, chúng ta đã thấy được sự yếu kém của từng lĩnh vực, loại hình diễn biến cần phải chú ý hay những vấn đề cần phải quan tâm nắn chỉnh.
Nghị quyết như thế rất tốt, dân người ta đồng tình; nhưng vẫn có dấu hỏi lớn: Đó là phải làm thế nào? Là chuyện phải làm cho được mà trước hết chính là những việc đã xảy ra nơi này nơi khác, tính phức tạp, rõ ràng ai cũng quan tâm. Cần sớm làm rõ đừng để dở chừng.…
Kết luận rõ ràng những việc đó thì người dân sẽ có niềm tin. Chứ nếu chậm trễ, để kéo dài mãi thì chắc chắn dù có đi vào những lĩnh vực cụ thể, chỉ ra được cụ thể như vậy đấy nhưng niềm tin của người dân vẫn sẽ hạn chế.
Với những nội dung đưa ra trong Nghị quyết, ông đã thấy tinh thần nói thẳng được thể hiện thích đáng?
- Trước giờ Đảng cũng vẫn muốn nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật, đánh giá đúng thực chất tình trạng chứ không phải bây giờ mới nói. Nhưng chỉ tiếc là mình đã nói thế mà lâu nay vẫn chưa thực hiện được như mong muốn, nguyện vọng. Việc đó là rất cần. Nhiều vấn đề người dân muốn phải được phanh phui, làm rõ trắng đen ra.
Theo ông cụ thể các vấn đề nào cần làm rõ?
- Như một số vụ việc gần đây, báo chí có đăng tải và đang được xử lý. Theo tôi, gốc rễ của nó là mấy ông lãnh đạo chứ chẳng đi đâu cả, phải là người phụ trách có quyền về vấn đề đó. Đó là việc cụ thể cần làm đi, thiết thực nhất đấy. Cứ làm đi, có thế thì người dân sẽ tin.
Nghị quyết lần này có nói về một giải pháp là tăng cường giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; có nhắc đến Quyết định 217, 218 của Ban Bí thư. Là người đã từng làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam trong thời kỳ dài, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi là người mong nhất việc đó, nói sớm nhất, góp ý nhiều nhất về vấn đề đó. Vế nhân dân giám sát và thể hiện chính kiến còn rất hạn chế.
Hạn chế không phải vì nhân dân không biết mà là vì các cơ quan chưa chịu lắng nghe nhiều; chưa chịu tiếp cận về những vấn đề nhân dân phát hiện để mà giải quyết mà chẳng qua vẫn chỉ dựa vào các cơ quan thanh tra, kiểm tra theo hệ thống chứ không phải lấy ý kiến thực chất từ nhân dân. Mà nhân dân là ai, chính là MTTQ chứ chẳng phải ai khác. Mà cái đó thể hiện bằng cái gì, thể hiện bằng chính cả Đại hội Thi đua yêu nước tổng kết 5 năm chưa có gương nào là dũng sỹ trong việc đấu tranh diệt giặc nội xâm.
Có cái người ta quan tâm nhất thì không thấy nêu được gương ai và có nhược điểm là chưa có đánh giá cụ thể một cấp uỷ nào có thành tích trong việc quản lý lãnh đạo để cho hệ thống chính trị làm tốt việc đấu tranh; chưa đánh giá được tổ chức chính quyền nào làm tốt được việc này.
Mà nếu có thì chỉ đánh giá chung là chủ trương, chính sách đã thẳng thắn nói, thế thôi, còn thì chưa đánh giá được cá nhân nào có công trong việc này.
Tôi rất quan tâm vế nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận và đoàn thể. Vế này hiện còn hạn chế, không phải là do anh em không biết cách làm mà chính là do ta chưa dựa vào anh em, chưa mạnh dạn giao cho anh em để làm việc này.
Trân trọng cảm ơn ông!