Quảng Nam là nơi có công trình Phú Ninh với diện tích mặt nước hơn 3.200ha, sức chứa 344 triệu m³, là công trình thủy nông lớn nhất miền Trung. Thế nhưng nhiều năm qua, vào mùa nắng nóng người dân thôn Bình An, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vẫn phải chịu “khát”.
Bà Nguyễn Thị Mai hàng ngày vẫn phải xách nước về sinh hoạt.
Mịt mờ vì nước
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm về thôn Bình An, xã Bình Định Bắc để tìm hiểu tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất. Tại nhiều tổ trong thôn Bình An, chúng tôi ghi nhận nhiều giếng đào của người dân đang khô nước.
Dưới cái nắng oi nồng, nhiều người dân phải dùng xe bò, xe đạp cố gắng chở nước ở nơi xa về sinh hoạt cho gia đình. Cánh đồng rộng mênh mông của thôn Bình An bỏ hoang, khô khốc dưới cái nắng chói chang. Còn tại trạm bơm Phước Chỉ, chì có duy nhất một ống sắt bắc qua bên cánh đồng ruộng tổ 2 của thôn nhưng nước không có lấy một giọt. Những cơn gió nóng thổi về bụi bốc lên mù mịt. Thế nhưng bà con không dám sử dụng nước thoả mái để làm dịu cơn nóng. Không chỉ con người mà vật nuôi cũng cùng chung cảnh khổ sở vì thiếu nước.
Bà Đỗ Thị Thủy (48 tuổi), trú tổ 2, thôn Bình An cho biết: “Hàng năm, mùa nắng nóng bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, tôi và nhiều hộ dân khác trong thôn phải chịu cảnh thiếu nước để sinh hoạt, do các giếng đào bắt đầu khô nước còn nước thuỷ lợi thì không có”. Theo bà Thuỷ và nhiều hộ dân ở đây muốn có nước dùng cho sinh hoạt cuộc sống phải dùng xe bò chở nước cách xa hàng cây số để đem về dùng. “Nhưng do phải đi chở nước ở xa nên tôi phải sử dụng tiết kiệm, ưu tiên cho việc nấu ăn, còn tắm rửa, giặt giũ để sau. Tôi và người dân trong thôn muốn chăn nuôi, trồng rau, nhất là sản xuất vụ hè- thu để phát triển kinh tế nhưng do thiếu nước tưới nên đành phải cam chịu”- bà Thuỷ nói.
Theo người dân, ruộng lúa ở đây mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ đông- xuân, còn vụ hè - thu đành bỏ hoang. Do không có nguồn nước cung cấp cho cây lúa sinh trưởng phát triển. Vì thế cánh đồng mênh mông của các hộ dân trong thôn đành bỏ hoang. Muốn có thu nhập nuôi sống gia đình mọi người đã tìm các công việc khác làm như phụ hồ, đập vỏ keo hay ra thành phố Đà Nẵng đi làm thuê để kiếm tiền lo cho con cái ăn học.
Được biết, để có nước sinh hoạt, một số hộ dân có điều kiện kinh tế ở thôn Bình An phải bỏ ra số tiền hơn 30 triệu đồng để thuê người đóng giếng khoan sâu, còn các hộ dân khó khăn phải đi chở nước ở xa về sinh hoạt cho gia đình. Ngoài ra, các diện tích ruộng hoa màu của bà con thôn Bình An cũng bỏ hoang do không có nguồn nước để phục vụ sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi), tổ 2, thôn Bình An dù tuổi cao vẫn phải đi dưới cái nắng nóng để vận chuyển nước. Bà Mai than phiền: “Không chỉ năm nay mà nhiều năm qua rồi, mỗi khi vào mùa nắng nóng các giếng khoan cạn kiệt. Trước đây, chính quyền xã Bình Định Bắc có xây dựng một công trình nước sạch đặt ở tổ 3, thôn Bình An để cung cấp nước sạch cho bà con nhưng chỉ sử dụng được vài tháng rồi bỏ hoang. Mấy ngày nay, tôi thường xuyên đi chở nước cách xa nhà hơn 1km về cho gia đình tôi sinh hoạt. Già cả như tôi phải lặn lội dưới cái nắng nóng đi chở nước ở xa về rất mệt, nhưng không đi thì lấy đâu nước tắm rửa, nấu thức ăn cho gia đình”.
Nghịch lý cần được dỡ bỏ
Chia sẻ về vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất hoa màu, ông Nguyễn Vinh Sơn- Trưởng thôn Bình An cho biết: thôn có 291 hộ dân, với 1.263 nhân khẩu, nhiều năm nay đã lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhất là 3 năm trở lại đây tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất hoa màu diễn ra trầm trọng vào mùa khô hạn. Đặc biệt, riêng tổ 2 của thôn không có nước sinh hoạt, bà con phải đi gánh, chở nước ở các thôn lân cận về cho gia đình.
“Diện tích đất canh tác hoa màu ở thôn Bình An cũng đành bỏ hoang nhiều năm vào mùa nắng nóng. Trong nhiều lần họp HĐND xã, huyện tôi đã có nhiều ý kiến về việc này, nhưng lãnh đạo xã có hứa hỗ trợ đóng 2 cái giếng khoan sâu cộng đồng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhưng cũng chỉ là lời hứa. Còn việc lấy nước từ trạm nước Phước Chỉ về phục vụ sản xuất hoa màu cho bà con, thì chỉ có cách là bắt một đường ống nước dài khoảng 500 mét và sử dụng máy bơm thì nước mới tự chảy về các cánh đồng ruộng của người dân được thôi”- ông Sơn nói.
Trước sự việc trên, ông Trà Tấn Túc- Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân thôn Bình An, chính quyền xã đã làm hồ sơ, xin kinh phí để đầu tư xây dựng trạm bơm dẫn nước chảy từ trạm bơm Phước Chỉ về các cánh đồng cho bà con nhưng UBND huyện Thăng Bình chưa phê duyệt. Còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân vào mùa nắng nóng, thời gian sắp đến, chính quyền xã sẽ đầu tư xây dựng đập ngăn nước ở suối Ngọc Khô để phục vụ nước sạch cho người dân”.
Sống gần bên một công trình đại thủy nông với lượng nước trữ rất lớn, nhưng người dân vẫn thiếu nước. Đó là một nghịch lý. Đáng tiếc là nghịch lý đó đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa được khắc phục.