Bức xúc vì nhiều năm chịu hệ lụy nặng nề từ ô nhiễm, sức khỏe, đời sống từ các hoạt động khai thác đá của mỏ đá Cai Kinh, từ ngày 11/11/2019, người dân thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã kéo nhau ra chặn xe ra vào mỏ đá Cai Kinh để phản đối và cầu cứu ngành chức năng giải quyết.
Bức xúc vì chịu nhiều hệ lụy từ hoạt động khai thác, vận chuyển đá, người dân đã chặn đường vào mỏ đá Cai Kinh.
Mỏ đá Cai Kinh nằm trên địa bàn thôn Ba Nàng thuộc Công ty Cổ phần xi măng Bắc Giang khai thác. Hai đơn vị thực hiện việc nghiền đá và vận chuyển đá là Công ty TNHH Thịnh An Bình (Công ty Thịnh An Bình) và Công ty TNHH Tân Thịnh KBG (Công ty Tân Thịnh).
Theo người dân thôn Ba Nàng phản ánh, từ nhiều năm qua, mỏ đá Cai Kinh hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhiều hộ dân nơi đây, khiến người dân rất lo lắng và bức xúc. Hàng ngày, các hoạt động khai thác đá tại mỏ đá này gây khói bụi mù mịt tỏa xuống khu dân cư.
Các hệ thống máy móc nghiền, sàng đá cũng gây khói bụi suốt ngày đêm, khiến cả vùng rộng lớn nhuốm một màu bụi đá trắng xóa. Các hộ dân xung quanh mỏ đá luôn đóng kín cửa tránh bụi khiến khung cảnh khu dân cư trở nên hoang vắng. Đã nhiều năm nay, người dân ở đây không dám phơi quần áo ra ngoài vì có phơi thì chỉ vài phút là quần áo dính đầy bụi đá. Mặt khác, người dân nơi đây còn bị hành hạ bởi tiếng máy móc nghiền, sàng đá, tiếng gầm rú của hàng trăm xe tải hạng nặng ra vào khu vực mỏ đá. Do quá bụi, nên hầu hết người dân đều bị ho triền miên, sức khỏe giảm sút.
Không chỉ khốn khổ vì bụi đá, theo người dân phản ánh, hoạt động nổ mìn phá đá còn gây nứt nhà dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây na. Do rung chấn mạnh từ việc nổ mìn và do bụi đá quá nhiều khiến vườn tược cây cối, đặc biệt là cây na héo dần héo mòn, năng suất thấp, thậm chí mất mùa.
Sau nhiều lần phản ánh tới các cơ quan chức năng không được quan tâm, giải quyết triệt để, không thể chịu đựng hơn, từ ngày 11/11/2019, người dân thôn Ba Nàng đã hò nhau ra lập lán trại, dựng hàng rào chặn đường dẫn vào không cho xe cộ, máy móc vào mỏ đá Cai Kinh để phản đối.
Trước tình hình trên, chính quyền xã Cai Kinh đã vận động người dân ra về và tổ chức đối thoại để thống nhất việc bồi thường cây na do ảnh hưởng của khói bụi trong quá trình khai thác đá. Tại buổi đối thoại, phía doanh nghiệp cho biết đã thỏa thuận và đền bù 45.000 đồng/1 cây na cho người dân trong 3 năm. Còn người dân cho rằng, do doanh nghiệp cam kết chỉ khai thác trong 3 năm kể từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn khai thác nên phải có mức đền bù thỏa đáng. Vì vậy, người dân không đồng tình mức đền bù này và tiếp tục chặn đường vào mỏ đá.
Đến ngày 13/11, đại diện Công ty Tân Thịnh đã đối thoại với người dân và cam kết, ngày 28/11 tới đây sẽ trực tiếp giải quyết hỗ trợ hợp lý cho các hộ bị ảnh hưởng. Người dân cam kết không chặn xe của Công ty Tân Thịnh vào lấy đá. Sau buổi đối thoại, các hộ dân đã cho xe của Công ty Tân Thịnh hoạt động bình thường. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục chặn xe của Công ty Thịnh An Bình với lý do lãnh đạo doanh nghiệp này chưa có động thái đối thoại với người dân.
Chiều ngày 15/11, đại diện Công ty Thịnh An Bình đã đối thoại với người dân để lắng nghe các kiến nghị. Tại đây, người dân đề nghị phía Công ty bồi thường 100.000 đồng/1 cây na và chịu trách nhiệm hỗ trợ các nhà bị nứt, bị ảnh hưởng do đá bay vào. Phía Công ty An Bình cho biết, sẽ hỗ trợ cây na bị ảnh hưởng đảm bảo hợp lý, còn việc đền bù nhà cửa bị nứt thì phải dựa trên cơ sở đánh giá, thẩm định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, lý do này của Công ty An Bình không được người dân chấp nhận. Trong các ngày 15 và 16, 17/11, hàng chục người dân thôn Ba Nàng tiếp tục dựng lán trại túc trực chặn đường vào mỏ đá Cai Kinh.
Theo lãnh đạo xã Cai Kinh, ngay khi sự việc xảy ra, xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với Công an huyện Hữu Lũng tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân, đồng thời đề nghị dỡ bỏ các khẩu hiệu phản đối mỏ đá, không gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, đề nghị đại diện các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền để đối thoại với người dân về vấn đề đền bù thiệt hại do khói bụi trong quá trình khai thác đá. UBND xã cũng đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với xã kiểm tra, khảo sát về ảnh hưởng của khói bụi, việc nổ mìn theo phản ánh của người dân. Ông Nguyễn Quốc Thắng- Bí thư Đảng ủy xã Cai Kinh cho biết, xã vẫn đang tuyên truyền đến từng hộ gia đình, giải thích để người dân hiểu, không vi phạm pháp luật.