Ngay sau khi hay tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua đời, người dân làng Rồng đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Với mỗi người dân làng Rồng, nguyên Tổng Bí thư không chỉ là vị lãnh đạo đáng kính, mà còn là người cha, vị ân nhân đối với 64 hộ dân nơi đây. Chính ông đã khai sinh ra ngôi làng này sau những biến cố của trận lũ lịch sử xảy ra năm 1999.
Sáng 14/8, chính quyền và người dân làng Rồng (tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tề tựu về tại ngôi nhà văn hóa cộng đồng để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi hay tin ông qua đời.
Ông Trần Văn Tẩy (84 tuổi,1 trong 64 hộ dân đang sinh sống tại làng Rồng) tâm sự, sau khi hay tin bác mất, chúng tôi rất đau buồn, bàng hoàng và xót xa, dù vẫn biết cuộc đời ai cũng phải trải qua “chuyến đò” này.
Ông kể: Làng Rồng có được tên gọi như ngày hôm này là do chính Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đặt cho.
Vào năm 1999 một trận lũ lịch sử quét qua các tỉnh miền Trung, vào thời điểm ấy, một ngôi làng chài nằm bên bờ biển Thuận An đã bị lũ lớn cuốn trôi trong đêm ngày 2/11/1999. Lũ lớn chưa từng thấy đã xé toạc cả một dãi cồn cát, mở ra một cửa biển mới. Lũ cuốn trôi ra biển 64 ngôi nhà kiên cố, cướp đi sinh mạng của 21 người dân.
Sau đêm lũ kinh hoàng ấy, nhiều gia đình đã rơi vào tình cảnh ly tán con mất cha, chồng mất vợ. Đau thương, mất mát không thể nào kể hết. Đúng thời điểm ấy, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã dẫn đầu đoàn công tác Trung ương vào thăm người dân vùng lũ.
Chứng kiến hậu quả nặng nề mà trận lũ gây ra, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã lập tức chỉ đạo các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương phải gấp rút xây dựng khu tái định cư, làm nhà cho dân ở. Không để cho người dân sau lũ phải lang thang, ly tán.
“Tết năm 2000, những người dân còn sống sót của ngôi làng biển phấn khởi chuyển về nơi ở mới. Lúc ấy, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về thăm khi làng tái định cư vẫn chưa có tên và đích thân Tổng Bí thư đã đặt tên mới cho làng là "làng Rồng". Cái tên nhằm gửi gắm mong muốn sau biến cố, người dân trong làng sẽ mạnh mẽ vươn lên như chính loài linh vật này” - ông Tẩy nhớ lại.
Vội lau những giọt nước mắt, bà Lê Thị Dục (52 tuổi, người dân làng Rồng) bùi ngùi cho biết, nhiều năm sau khi ngôi làng được ra đời, cứ vào dịp lễ, Tết hay có việc đến Huế, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn thường xuyên về thăm người dân trong làng. Nếu không về được cũng không quên gửi quà tặng bà con. Tuy nhiên, những năm gần đây do tuổi cao sức yếu nên bác không về thăm làng nhưng năm nào cũng gửi quà về cho bà con.
“Khi hay tin bác mất, tất cả người dân làng Rồng chúng tôi đều không cầm được nước mắt. Nếu không có bác, bây giờ 64 hộ dân ở đây đã ly tán, mỗi người một phương sau cái đêm kinh hoàng vào năm 1999 ấy. Với người dân làng Rồng, chúng tôi luôn coi bác người cha của đại gia đình này. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên công ơn và những tình cảm sâu sắc mà bác đã dành cho người dân làng Rồng này”, bà Dục chia sẻ.
Ông Trần Văn Thu (54 tuổi) thông tin, trước đó người dân làng Rồng cũng đã bàn bạc và thống nhất, sau khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua đời, sẽ cử đại diện mỗi hộ trong 64 hộ dân sẽ cùng nhau thuê xe ra Hà Nội viếng bác.
“Thế nhưng khi xin ý kiến của huyện thì được lãnh đạo huyện khuyên rằng với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để bày tỏ sự tiếc thương và tri ân nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cũng như được sự đồng ý của chính quyền địa phương, người dân làng Rồng đã lập một bàn thờ vọng tại nhà sinh hoạt cộng đồng do nguyên Tổng Bí thư tặng để người dân có thể đến dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ đến bác”, ông Thu cho biết.