Theo Kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (do Tổng cục Thống kê vừa công bố) cho thấy, dân số Việt Nam thời điểm ngày 1/4/2024 là 101.112.656 người, tăng thêm 4,9 triệu người so với năm 2019.
Cụ thể, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%.
Chỉ số già hóa năm 2024 là 60,2% với số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người (tương ứng gấp 1,25 lần) so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Trong bối cảnh này, cũng theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, tổng tỷ suất sinh (TFR) là 1,91 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế và là mức sinh thấp nhất từ trước tới nay.
Trước chỉ số già hóa dân số và tổng tỷ suất sinh nói trên, Tổng cục Thống kê nhận định, kể từ năm 2009 đến hết năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và con số này giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
Liên quan tới vấn đề này, Cục Dân số, Bộ Y tế đã đưa ra 3 giả thiết về mức sinh thấp ở nước ta đến năm 2069.
Cụ thể, giả thiết về mức sinh thấp, khi mức sinh chung của cả nước dự báo đến năm 2069 đạt 1,85 con/phụ nữ. Giả thiết về mức sinh trung bình, khi mức sinh chung của cả dự báo đến 2069 sẽ đạt 2,01 con/phụ nữ.
Giả thiết về mức sinh cao, khi mức sinh chung của cả nước sẽ giữ ổn định, các chính sách về dân số và phát triển thực hiện thành công, đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) vào năm 2069.
Theo phương án trung bình, dự báo tỷ lệ tăng dân số ở nước ta sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069. Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054 - 2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%/năm, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064 - 2069) là 0,18%/năm, tương đương giảm bình quân 200 nghìn người mỗi năm.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ dự báo, dân số vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 - 2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) đánh giá, già hóa dân số là một trong các thách thức của công tác dân số, tác động đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Già hóa dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...
PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cho biết, tại nước ta, với người trên 60 tuổi, mỗi người có trung bình 2,6 bệnh; trên 80 tuổi, số bệnh tật trung bình là 6,9 loại. Người cao tuổi của chúng ta phải sống với các bệnh tật, trong tình huống “chưa giàu đã già”.
Hậu quả của già hóa dân số lên hệ thống y tế tại Việt Nam bao gồm việc gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế. Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.
Để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, các chuyên gia cho rằng, ngoài những chính sách duy trì ổn định mức sinh, không để mức sinh giảm quá nhanh thì cần cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi. Có những chính sách phù hợp tạo điều kiện và khuyến khích lao động lớn tuổi tham gia công việc phù hợp đóng góp thêm sức lực cho gia đình và xã hội. Về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp để tăng tuổi nghỉ hưu, đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định.
Bên cạnh đó, cần mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng thúc đẩy triển khai hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đa trụ cột để nâng cao mức độ bao phủ toàn diện của hệ thống, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi…