Số trẻ sơ sinh chào đời ở Nhật Bản đã giảm năm thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục mới vào năm 2023 - dữ liệu công bố ngày 28/2/2024. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng rơi vào tình thế tương tự.
Theo nhà nghiên cứu xã hội học Nhật Bản Akemi, tới nay, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn nhiều quốc gia Đông Bắc Á cũng lúng túng bởi vấn đề dân số giảm và dân số già.
“Đó là vấn đề xã hội nội tại của nhiều quốc gia không dễ giải quyết” - vị chuyên gia này nói đồng thời dẫn số liệu tại Nhật Bản, năm 2023, số ca sinh giảm 5,1% so với một năm trước đó, xuống còn 758.631; trong khi số cuộc kết hôn giảm 5,9%, xuống 489.281. Đây là lần đầu tiên sau 90 năm số cuộc kết hôn giảm xuống dưới 500.000 cuộc/năm.
Theo Viện An sinh xã hội và dân số quốc gia, dân số Nhật Bản có thể sẽ giảm khoảng 30%, xuống còn 87 triệu người vào năm 2070 và trong 10 người thì có 4 người ở độ tuổi 65 trở lên.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, Chính phủ nước này sẽ thực hiện các bước chưa từng có để đối phó. "Tỷ lệ sinh giảm đang ở tình trạng nghiêm trọng. 6 năm nữa cho đến năm 2030 sẽ là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng này" - ông Hayashi nhấn mạnh.
Trong khi đó Thủ tướng Kishida Fumio đã gọi xu hướng tỷ lệ sinh giảm là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà đất nước chúng ta phải đối mặt".
Tháng 2/2024, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật tăng cường các biện pháp nhằm giải quyết thực trạng tỷ lệ sinh đang giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Bao gồm các kế hoạch mở rộng phúc lợi cho trẻ em và trợ cấp nghỉ phép chăm sóc trẻ em, đồng thời lên kế hoạch tăng kinh phí cho các biện pháp này lên mức 3,6 nghìn tỷ Yên (hơn 24 tỷ USD) mỗi năm, kể từ năm 2026.
Một cuộc khảo sát của Viện An sinh xã hội và dân số quốc gia cho thấy 17,3% nam giới và 14,6% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 - 34 cho biết họ không có ý định kết hôn - tỷ lệ cao nhất kể từ khi khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1982.
Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đang phải đối mặt với bài toán tỷ suất sinh thấp. Số con trung bình mà một phụ nữ có thể sinh trong suốt cuộc đời ở Hàn Quốc đã giảm xuống 0,7 trong năm 2023. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với mức 2,1 cần có để duy trì dân số Hàn Quốc ở mức 51 triệu người. Nguyên nhân đến từ việc nhiều người trẻ tuổi trì hoãn hoặc không kết hôn, không muốn sinh con cùng với sự thay đổi các chuẩn mực xã hội về hôn nhân.
Tỷ suất sinh - tức là số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong cuộc đời họ - ở Hàn Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm 2022; năm 2023 tụt xuống còn 0,7.
Chính phủ Hàn Quốc cùng các chủ doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích kết hôn và sinh con. Tờ The Korea Herald cho biết, nhà sản xuất Ssangbangwool ở Hàn Quốc thông báo công ty sẽ hỗ trợ tới 100 triệu Won (khoảng 1,85 tỷ đồng) cho các nhân viên mang thai. Theo chương trình đãi ngộ này, nhân viên có thể nhận được 30 triệu Won cho đứa con đầu lòng, 30 triệu Won nữa cho đứa con thứ hai và thêm 40 triệu Won cho đứa con thứ ba.
"Tỷ lệ sinh thấp là khó khăn mà xã hội chúng ta phải vượt qua. Công ty sẽ chịu trách nhiệm và nỗ lực hết mình để giúp đất nước tăng tỷ lệ sinh" - đại diện của Ssangbangwool cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chỉ thị cung cấp các ưu đãi về thuế và các biện pháp hỗ trợ khác để thúc đẩy các công ty triển khai các chương trình khuyến khích sinh con.
Trước bài toán đau đầu về dân số già và tỷ suất sinh thấp, chính quyền thủ đô Seoul đã lên kế hoạch hỗ trợ đông lạnh trứng với những phụ nữ đã kết hôn. Khoản tiền hỗ trợ trữ đông trứng là 2 triệu Won (khoảng 36 triệu đồng); trong khi 1 ca trữ đông trứng có giá từ 2,5-4,6 triệu Won.
Theo ông Kwang-Yul - Giám đốc một trung tâm Y tế ở Seoul, khi được hỗ trợ, người dân sẽ cảm thấy vững tâm hơn. Sau khi đông lạnh trứng, phụ nữ có thể chọn sinh con sau 5, 10 hoặc 15 năm nữa.
Một khảo sát cho thấy có tới 64% phụ nữ trên dưới 40 tuổi đã kết hôn ở Hàn Quốc sẵn sàng bảo quản trứng.
Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm trước những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc trong việc giải quyết bài toán giảm tỷ suất sinh, Hyeyoung Woo - giáo sư xã hội học chuyên nghiên cứu về gia đình Hàn Quốc (Đại học bang Portland, Mỹ) lại cho rằng việc hỗ trợ đông lạnh trứng không thể giải quyết triệt để tỷ suất sinh thấp hiện nay ở Hàn Quốc.
Bà Woo nhận định, muốn thúc đẩy tỷ suất sinh hiệu quả, Hàn Quốc cần khuyến khích thanh niên kết hôn, cũng như hỗ trợ các gia đình sinh thêm con bằng chính sách phúc lợi về nhà ở, thuế, chăm sóc trẻ em và nghỉ thai sản…
Châu Á vẫn là châu lục đông dân nhất thế giới, tuy nhiên trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ suất sinh của phụ nữ châu Á lại thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Tỷ suất sinh ở Nhật Bản, Hàn Quốc là thấp nhất thế giới (trên dưới 0,8); tiếp đó là Trung Quốc: 1,3; thấp hơn đáng kể các nước châu Âu như Pháp (1,8), Đan Mạch (1,7) và thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu là 1,5. So với phụ nữ khu vực Bắc Mỹ thì phụ nữ Đông Bắc Á cũng sinh ít con hơn: Tỷ suất của Mỹ là 1,6 và Canada là 1,4. Hiện nay trên thế giới chỉ còn khu vực châu Phi là có tỷ suất sinh cao, khi một phụ nữ vẫn sẽ sinh 5-7 con trong cuộc đời của mình.