Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca dương tính với SARS-CoV-2 vẫn tăng lên hàng ngày khiến nhu cầu mua lá xông, tinh dầu… để xông hơi, hỗ trợ điều trị bệnh tăng cao.
Trước nhu cầu của người dân Thủ đô, giá các mặt hàng lá xông, các loại hương liệu như gừng, tỏi, sả cũng đồng loạt tăng giá.
Tăng giá do nhu cầu
Liên tiếp những ngày gần đây, Hà Nội và các địa phương, số ca mắc Covid-19 mới liên tục gia tăng. Tại Hà Nội, địa phương có số ca mắc nhiều nhất cả nước, con số tăng ca F0 hàng ngày cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chữa Covid-19 bằng cách xông họng, xông nhà bằng chanh, gừng, sả, xà phòng, tinh dầu đang được nhiều người dân Thủ đô áp dụng.
Kéo theo đó, giá các loại mặt hàng này cũng tăng lên gấp ba.
Theo ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết Online, tại các chợ truyền thống của Hà Nội như chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Linh Lang (quận Ba Đình)… những ngày này, sức mua các mặt hàng lá xông, các loại hương liệu như tỏi, gừng, sả tăng mạnh, giá cả cũng đồng loạt lên giá.
Cụ thể, tại chợ Linh Lang, giá sả từ 8.000 - 10.000 đồng/kg (cách đây 1 tuần) giờ đã lên 30.000 - 35.000 đồng/kg, gừng từ 10.000 đồng cũng tăng lên 25 - 30.000 đồng/kg.
Tại chợ Ngọc Hà, chiều ngày 23/2, giá các mặt hàng lá xông, các loại hương liệu cũng tăng giá tương tự.
Chủ quầy hàng lá nam gia truyền Bà lang chỉ Phương Thị Oanh ở chợ Ngọc Hà cho biết, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhu cầu mua lá xông của người dân tăng mạnh. Một tuần nay, giá nhập các loại lá xông tăng nên bà cũng phải bán tăng giá, từ 20.000 đồng/bó lên 30.000 đồng/bó.
Tuy nhiên, theo chủ quầy hàng này, trong ngày hôm nay, sức mua lá xông có chững lại hơn so với những ngày của tuần trước.
Tượng tự, chủ quầy hàng lá nam - lá xông Liên và Giang ở chợ Ngọc Hà cũng cho hay, thời tiết Hà Nội đang trong những ngày rét buốt, cộng với số ca nhiễm F0 tăng mạnh khiến nhu cầu mua lá xông của người dân tăng cao. Các sản phẩm hương liệu xông cũng theo đà tăng giá.
Song, theo chủ quầy hàng này, chị vẫn bán giá ổn định, chỉ tăng nhẹ một số hương hiệu, số lượng lá cũng được chị nhập nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của người mua.
Do nhu cầu của người dân tăng cao nên hiện nay, theo quan sát, không chỉ các quầy bán lá nam chuyên bán lá xông mà nhiều quầy rau củ tại các chợ cũng đã lấy thêm các loại nguyên liệu xông về bán kèm như lá bưởi, sả, gừng, ngải cứu…
Xông gừng, sả có điều trị được Covid-19?
Từ khi có dịch Covid-19, việc xông hơi được rất nhiều người áp dụng. Việc sử dụng các thảo dược phòng Covid-19 là một trong những biện pháp dự phòng được khuyên dùng, nhưng không phải ai cũng biết làm đúng cách.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong quá trình tư vấn và điều trị cho F0, nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội.
Theo Bác sĩ Thiệu, nếu xông mũi, họng quá nhiều lần trong ngày dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.
Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị Covid-19”.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nhiều người xông hơi ngày 2, 3 lần với việc nấu 1 nồi nước xông, xông phủ kín toàn thân.
Trong khi, người mắc bệnh Covid-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu. Do đó, với những người nhiễm Covid-19, chống chỉ định xông toàn thân.
Phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Ngoài trẻ em, các bác sĩ cho hay người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần ngưng xông ngay.