Tình trạng cát tặc lộng hành trên sông Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai) nhiều năm qua đã trở thành điểm nóng, tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhiều người dân nhưng chính quyền huyện Mang Yang lại thiếu quyết liệt trong việc xử lí. Tức nước vỡ bờ, hàng trăm người dân xã Ayun bức xúc tổ chức chặn xe, vây bắt cát tặc để phản đối chính quyền huyện Mang Yang vì để cát tặc lộng hành.
Sông Ayun bị cát tặc tàn phá.
Cán bộ chỉ hứa chứ không xử lí
Theo phản ánh của người dân tình trạng khai thác cát tràn lan đã khiến cho dòng sông Ayun gần như bị biến dạng, dọc hai bên sông bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào nương rẫy cướp đất sản xuất của nhiều hộ dân. Hàng năm khi có lũ về hàng chục hécta hoa màu của người dân bị cuốn phăng, thiệt hại là không nhỏ. Dù vậy, tình trạng khai thác cát lậu vẫn cứ diễn ra thậm chí là công khai hơn nhưng chính quyền xã, huyện lại không có biện pháp xử lí dứt điểm khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Để giữ đất sản xuất, bảo vệ sự an toàn tính mạng và của cải, thông qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhiều người dân đã kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng họ chỉ nhận được những “lời hứa” hết năm này qua năm khác. Hàng trăm hộ dân sinh sống bên lưu vực sông Ayun thì luôn trong trạng thái lo âu.
Chính cách làm thiếu quyết liệt, tắc trách của chính quyền huyện Mang Yang, ngày 30-5 hàng trăm người dân tại 4 làng Nhơn Bông, Ta Đun, Plei Bông, A Tur (xã A Yun) bức xúc kéo ra sông Ayun để chặn xe, vây bắt cát tặc như một thông điệp nhằm phản đối sự chậm trễ, thiếu quyết liệt từ các cấp chính quyền.
Anh Klê, làng A Tur bức xúc, người dân chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng cán bộ chỉ hứa, chứ tình hình cát tặc vẫn cứ vô tư lộng hành hết năm này qua năm khác. Người dân tập trung vây bắt cát tặc yêu cầu UBND huyện Mang Yang phải vào cuộc ngăn chặn cát tặc để bảo vệ dòng sông, đất sản xuất của dân.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Ayun khẳng định: Việc các xe chở cát là có nhưng không nhiều. Từ năm 2015 đến nay, xã đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện xử lý 1 vụ. Công tác xử lý là rất khó, họ dùng toàn xe cơ giới lớn, khi đến nơi thì xe bỏ chạy nên đành chịu.
Biên bản dân yêu cầu lập tại hiện trường.
Huyện phớt lờ chỉ đạo của tỉnh
Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực sông Ayun dài 4 - 5km mới chỉ có một C.ty Trang Đức được cấp phép khai thác nhưng có đến vài doanh nghiệp vẫn cứ vô tư khai thác. Đơn cử như DNTN Đình Hào (trú thôn 3, xã Ayun) dù không được cấp phép nhưng doanh nghiệp này vẫn đào bới sông Ayun để lấy cát trước sự bất lực của chính quyền xã, huyện...
Theo Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND tỉnh Gia Lai, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chủ tịch UBND huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Tuy nhiên, khu vực sông Ayun dù là điểm nóng về vấn nạn cát tặc nhưng UBND huyện Mang Yang lại có dấu hiệu buông lỏng quản lí.
Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trái phép, năm 2015 Sở TN&MT tỉnh Gia Lai tiếp tục ra văn bản số 974/STNMT-TNKS đề nghị UBND huyện Mang Yang nghiêm túc kiểm tra, xác minh các đối tượng xử lí nghiêm việc khai thác cát trái phép tại sông Ayun. Chỉ đạo là vậy nhưng đến nay vấn nạn cát tặc vẫn cứ tiếp diễn khiến người dân bức xúc tổ chức chặn xe, bắt cát tặc giao chính quyền xử lí.
Nhiều người dân xã Ayun cho rằng, không phải chính quyền không biết, họ biết nhưng cũng không xử lí. “Mỗi ngày có hàng chục xe chở cát ra vào liên tục, khai thác công khai với máy móc hiện đại mà chính quyền nói không biết thì lạ quá” - anh Blon, làng A Tur nói.
Bí thư huyện Mang Yang - Huỳnh Thế Mạnh cho biết, việc để dân chặn xe, vây bắt cát tặc yêu cầu chính quyền xử lí là điều rất đáng tiếc.