Tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị là 41,9% và nông thôn là 17,8%; học sinh THCS thành thị thừa cân chiếm 20,9%, trong khi ở nông thôn là 7,9%.
Đó là những số liệu được đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, THCS và THPT ở một số tỉnh, thành Việt Nam” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức.
Theo PGS.TS Trần Thúy Nga - chuyên gia nghiên cứu Viện Dinh dưỡng Quốc gia - sau 1 năm nghiên cứu (năm học 2017-2018) trên đối tượng là học sinh tiểu học, THCS và THPT tại 75 trường thuộc 25 xã, phường của Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng, các chuyên gia nhận thấy trẻ em ở vùng nông thôn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao; thừa cân, béo phì tập trung ở vùng thành thị.
Cụ thể, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm 41,9%, trong khi tỉ lệ này ở nông thôn là 17,8%. Với từng bậc học, trong khi học sinh tiểu học ở thành phố có tỷ lệ béo phì là 22,7% thì học sinh ở vùng nông thôn chỉ chiếm 7,4%.
Đối với học sinh THCS, học sinh thành thị thừa cân chiếm 20,9%, trong khi học sinh nông thôn là 7,9%. Tuy nhiên, học sinh THCS vùng nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, còn học sinh thành thị là 3,8%. Tương tự, học sinh THCS vùng nông thôn có tỷ lệ gầy còm lên tới 15,6%, học sinh thành thị là 3,4%.
Đối với học sinh THPT, tỷ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh cấp tiểu học và THCS. Nhưng, học sinh THPT vùng thành thị vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn so với học sinh vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%. Tỷ lệ thấp còi ở học sinh THPT nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao 14,9% và học sinh thành thị là 8,6%.
Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ thừa cân trẻ em từ 6 - 11 tuổi ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, tại TP HCM, tỷ lệ thừa cân béo phì năm 1996 là 12,2% thì đến năm 2009 đã tăng lên 42,3%. Tại Hà Nội, năm 1995, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì là 3,3% nhưng đến năm 2011 đã tăng lên 40,7%.
Theo nghiên cứu, học sinh tiểu học có khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein thậm chí cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị. Trong khi đó, khẩu phần ăn của học sinh ở lứa tuổi trung học hiện chưa đạt ngưỡng khuyến nghị về năng lượng, sắt, kẽm, canxi và các loại vitamin, dẫn đến tỷ lệ thấp còi ở học sinh trung học còn cao.
Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, bao gồm tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ văn hóa của bố mẹ. Chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng liên quan trực tiếp đến tình trạng này.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên ngồi trước màn hình, sử dụng nhiều đồ uống có đường chế biến và bán trên đường phố, như nước mía, nước đá bào siro, trà sữa... làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Thế nhưng, một nghiên cứu tại TP HCM lại cho thấy có tới 53% phụ huynh hoàn toàn không nhận biết là con mình bị thừa cân béo phì mà vẫn cho là trẻ đang bình thường? Hay thậm chí ở một nghiên cứu khác có 30% bà mẹ có con béo phì vẫn muốn con tăng cân thêm bởi “sợ con ốm, mọi người sẽ chê cười”.
Đây thực sự là một hồi chuông đáng báo động, cho thấy ý thức dự phòng và điều trị bệnh thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam hiện nay vẫn chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là hiện tượng cân nặng cao hơn mức cân nặng nên có tương ứng với chiều cao. Số liệu thống kê của tổ chức này cũng cho biết, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh béo phì, trong đó hơn 17 triệu trẻ sống tại các nước đang phát triển.
Béo phì được chẩn đoán dựa trên chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index: BMI) được tính bằng công thức cân nặng tính bằng kg chia cho chiều cao bình phương tính bằng mét. Vì cơ thể trẻ thay đổi theo các giai đoạn phát triển của từng lứa tuổi nên chỉ số này cũng thay đổi theo tuổi. Trẻ được xem là dư cân khi trẻ nặng hơn 85% trẻ có cùng tuổi và chiều cao. Trẻ được xem là béo phì khi trẻ nặng hơn 95% trẻ có cùng tuổi và chiều cao. Để tính được điều này bác sĩ sẽ dùng bảng BMI theo tuổi.
ThS.BS Trần Thị Hồng Loan - Chuyên gia Dinh dưỡng Cấp cao - cho biết: Béo phì ở trẻ em trước mắt sẽ làm cho trẻ nặng nề nên thường phản xạ kém, dễ bị tai nạn. Do tăng cân quá nhanh, trẻ sẽ dễ bị rạn da, biến dạng xương chân, khó thở hay có những cơn ngừng thở lúc ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ. Trẻ béo phì thường dậy thì sớm nên sẽ làm kìm hãm sự tăng trưởng chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Tình trạng béo của trẻ tiền học đường (dưới 5 tuổi) nếu không được điều trị sẽ làm cho trẻ tiếp tục béo dai dẳng cho tới lớn với mức độ béo ngày càng tăng nên việc điều trị muộn sau này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Và béo phì ở trẻ em cũng sẽ làm cho trẻ gia tăng nguy cơ bị mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, đái tháo đường type 2… gây ra nhiều hậu quả nguy hại về mặt sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ nếu không được điều trị kịp thời.
Thực tế này cũng đã được chứng minh tại các phòng khám nhi, với số lượng trẻ bị béo phì lứa tuổi học đường bị gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ trong máu, cao huyết áp, đái tháo đường… đến khám và điều trị ngày càng gia tăng. Các bệnh lý này nếu xảy ra ở trẻ lại càng nguy hiểm bởi trẻ còn nhỏ, chưa hiểu biết về hậu quả của bệnh, chưa ý thức được hành vi trong việc tự bảo vệ sức khỏe nên sẽ rất khó kiểm soát các cơn thèm ăn cũng như việc tập luyện và vì vậy trẻ có thể phải sống lệ thuộc vào thuốc và gặp nhiều biến chứng hơn.
ThS.BS Hồng Loan chia sẻ: “Chúng ta cũng biết, nguyên nhân chủ yếu của thừa cân, béo phì là do năng lượng từ ăn uống đưa vào quá nhiều (dùng thường xuyên thức ăn nhanh, thịt mỡ, đồ chiên rán quay, bánh kẹo, kem, chè, nước ngọt…) trong khi năng lượng tiêu hao ra quá ít (ít vận động, thích ngồi một chỗ chơi game, xem tivi, học thêm quá nhiều không có thời gian chơi thể thao)… Do đó, giải pháp quan trọng để phòng chống tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em rất cần các bậc cha mẹ phải thay đổi tư duy, phải có sự hiểu biết trong việc chọn lựa các thực phẩm lành mạnh cho con (nên ăn giảm đường, giảm béo, nhiều rau củ quả, hạn chế thức ăn nhanh, chọn sữa phù hợp…), thường xuyên tạo điều kiện cho trẻ vận động, chơi thể thao ít nhất 60 phút mỗi ngày, theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ mỗi tháng hay mỗi quý để kiểm soát việc tăng cân, tăng chiều cao sao cho phù hợp với các giai đoạn phát triển của con. Chú ý, không áp dụng chế độ ăn kiêng quá mức hoặc uống thuốc để giảm cân, mà phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không nên cắt bỏ sữa của trẻ béo phì mà cần đổi loại sữa phù hợp vì sữa vẫn là thực phẩm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nên chọn các loại sữa năng lượng thấp, sữa không đường, tách béo, sữa dành cho trẻ thừa cân béo phì, khoảng 400ml – 500ml mỗi ngày theo nhu cầu khuyến nghị của tuổi”.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam - cho rằng: “Khi học sinh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa cao sẽ giảm nguy cơ bị thừa cân béo phì. Nhóm trẻ sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa thấp thì nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn. Cho nên, chúng tôi động viên phụ huynh, nhà trường khuyến khích học sinh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa”.
Trong khi đó, TS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - nêu rõ: Việc để có cơ thể khỏe mạnh, phát triển tốt về chiều cao thì dinh dưỡng chỉ chiếm 30 - 32%, còn lại là tập luyện, gen. Theo TS Từ Ngữ, một bữa ăn tốt là thuận theo tự nhiên, đa dạng, đủ về số lượng, chất lượng, theo độ tuổi, giới và mùa.
Còn Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội Adam Sitkoff cho biết: Thừa cân béo phì đang là vấn đề hết sức hệ trọng ở Mỹ. Theo ông Adam, mọi người dễ dàng đổ lỗi cho bất kỳ thứ gì, chẳng hạn thừa cân béo phì là do ăn nhiều kẹo, chocolate, đường, kem, đồ ăn đường phố... Như thế, vô tình chúng ta biến những thứ đồ này thành kẻ thù trong khẩu phần dinh dưỡng đảm bảo cho bữa ăn. “Thay đổi lối sống, thói quen tiêu dùng thực phẩm một cách lành mạnh hơn. Nạp năng lượng nhiều nhưng cũng phải tiêu hao chúng thông qua các hoạt động thể dục thể thao hàng ngày. Nếu có lịch luyện tập thường xuyên thì có thể thoải mái ăn kem, chocolat mà không có vấn đề gì cả” - ông Adam đưa ra thông điệp.