Một câu chuyện ít người biết về sự xuất hiện của chiếc tivi đầu tiên trên trái đất, không chỉ là một phát minh khác trong con đường phát triển hiện đại; đó là một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.
Từ ngôi nhà gỗ nhỏ
Trở lại ngày 19/8/1906, một ngày ngột ngạt, nóng bức ở thành phố Beaver thuộc bang Utah, Mỹ. Bên trong căn nhà gỗ nhỏ của Lewis Edwin Farnsworth, người vợ trẻ Serena Amanda Bastian đang sinh hạ đứa con đầu lòng của họ, một bé trai kháu khỉnh có tên Philo Taylor Farnsworth. Thời điểm Philo đến với thế giới, cha cậu bé đã tin rằng trong tương lai, đây sẽ là một đứa trẻ đặc biệt.
Thời gian cứ thế trôi qua, vào một buổi chiều mùa hè năm 1920, Philo Taylor Farnsworth, lúc đó 14 tuổi, đang cày ruộng khoai tây phía trong Trang trại Bungalow gần thị trấn Rigby Idaho. Con ngựa đang kéo bừa và cậu thiếu niên trẻ đi theo phía sau, tâm trí quay cuồng với những ý nghĩ về các electron.
Farnsworth, con ngựa và cái bừa cùng cày trên một đường thẳng, rồi quay lại, cày tiếp một hàng khác, và tiếp tục quay đầu cho đến khi hoàn thành công việc.
Chính lúc này, cậu thiếu niên yêu khoa học đã nảy ra một ý tưởng điên rồ. Nếu như cậu có thể huấn luyện các ‘electron’ với cùng một phương pháp — đi đến cuối hàng, quay ngược lại, rồi đến hàng khác — Philo sẽ có thể truyền hình ảnh qua không khí.
Không một ai có thể ngờ nguồn cảm hứng cho truyền hình lại đến từ một con ngựa.
Chặng đường đầu tiên
Mùa thu năm 1921, Philo bắt đầu học trung học. Vào cuối năm học, thời điểm tháng 2/1922, cậu thiếu niên trẻ đã chia sẻ ý tưởng của mình với giáo viên khoa học, thầy Justin Tolman, và viết lên bảng đen về cách thức truyền tải hình ảnh sẽ hoạt động như thế nào.
Thầy Tolman đã gặp khó khăn khi lắng nghe những gì cậu học sinh năm nhất đang cố truyền đạt. Cuối cuộc trò chuyện, Philo đã vẽ vào sổ tay của mình một bản phác thảo về hoạt động bên trong một chiếc máy quay truyền hình có thể trông như thế nào, xé trang giấy và đưa cho thầy Tolman.
Bức vẽ này 30 năm sau đó đã thay đổi cuộc đời của Philo khi trở thành bằng chứng quan trọng nhất trong cuộc chiến bằng sáng chế, một vụ kiện chống lại gã khổng lồ vô tuyến Mỹ RCA. Vụ kiện này được ví như “cuộc chiến ‘không cân sức’ giữa cậu bé chăn cừu David nhỏ bé, chỉ với một cục đá và một chiếc nỏ cao su đã đánh bại gã khổng lồ Goliath”.
Trở lại khoảng thời gian khi Philo vẽ ra bức phác thảo, không lâu sau vào năm 1922, cậu đã phải cùng gia đình chuyển đến Provo (Utah). Nhưng cha Philo đã qua đời một năm sau đó, cậu thanh niên 18 tuổi cũng phải nghỉ học để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Ngày 25/2/1926, Philo Farnsworth khi đó 19 tuổi, đã cầu hôn với Elma Gardner, người con gái anh đã gặp gỡ ở trường trung học Provo, cô thường được mọi người gọi với cái tên Pem. Elma sống đến năm 98 tuổi và đã dành 40 năm cuối đời để cố gắng lấy lại danh tiếng mà đáng lẽ ra thuộc về Philo.
Thời điểm năm 1926, cậu thanh niên Philo, lúc này thường được gọi là Farnsworth, đã bắt đầu gom góp tiền và lên đường đến Los Angeles để hiện thực hóa dự án của mình với 6.000 USD. Tuy nhiên, khởi đầu của anh đã không thành công. Đợt tăng điện bất ngờ trong một lần thử nghiệm đã gây ra vụ nổ trong phòng thí nghiệm và mọi thứ đều bị phá hủy.
Hành trình của Farnsworth lại trở về vạch xuất phát. Tại San Francisco, anh đã gặp được hai nhà đầu tư, ông Les Gorrell và George Everson, thuyết phục họ tài trợ cho dự án nghiên cứu truyền hình. Họ đã đồng ý thành lập một phòng thí nghiệm tại số 202 Phố Green vào ngày 22/9/1927 ở California, với số vốn đầu tư là 25.000 USD.
Cộng sự trong phòng thí nghiệm của Farnsworth bao gồm vợ ông Pem, hai kỹ sư điện và Cliff Gardner, anh trai của Pem, từng là một thợ rừng, người sẽ học cách thổi các ống chân không phức tạp, thứ sau này sẽ trở thành những chiếc máy quay truyền hình đầu tiên.
Như được ghi lại trong cuốn sổ ghi chép hàng ngày của Farnsworth, lần truyền hình thành công đầu tiên đã diễn ra vào ngày 7/9/1927. Ông Everson lúc đó đã gửi một bức điện cho ông Gorrell cùng câu nói duy nhất: “Cái thứ quái quỷ đó đã hoạt động!”
Đó chính là khởi đầu của một kỷ nguyên công nghệ mới sẽ thay đổi thế giới mãi mãi.
‘Điều gì đến rồi sẽ đến’
Có một sự thật, hầu hết các doanh nghiệp rồi cũng sẽ đều phải đối diện với đối thủ cạnh tranh. Trong trường hợp của Farnsworth, đó là cuộc chiến với Tổng Công ty Phát thanh của Mỹ (RCA), do ông David Sarnoff điều hành vào thời điểm đó.
RCA khi đó được biết đến là gã khổng lồ điện tử của Mỹ, được thành lập vào năm 1919 và về cơ bản, là một công ty độc quyền trong ngành công nghiệp điện tử. Không một ai có thể sản xuất hoặc bán thiết bị vô tuyến mà không trả tiền bản quyền cho RCA.
Vào tháng 4/1930, Tiến sĩ Vladimir Zworykin, một người bạn trong lĩnh vực điện tử, đã đến thăm phòng thí nghiệm của Farnsworth tại San Francisco. Tiến sĩ Zworykin từng làm việc cho Westinghouse, một công ty có công trong việc phát triển cơ sở hạ tầng điện ở Mỹ.
Khi chứng kiến phát minh của Farnsworth về ống máy ảnh bóc tách hình ảnh, Tiến sĩ đã rất ngạc nhiên với nhiều câu hỏi lớn. Và Farnsworth đã nhiệt tình chỉ cho ông thấy những gì anh cùng công sự đã phát minh, và cách thức mà chúng hoạt động.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Zworykin đã không còn làm việc cho Westinghouse vào thời điểm đó. Ông xuất hiện tại San Francisco với tư cách người đứng đầu dự án truyền hình điện tử của RCA. Sau khi nắm rõ về dự án truyền hình của Farnsworth, Tiến sĩ Zworykin đã gửi một bức điện 700 từ cho RCA, giải thích chính xác cách thức hoạt động của truyền hình. Họ đã ‘đánh cắp’ tất cả ý tưởng của Farnsworth và sản xuất phiên bản của riêng mình.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã cản trở sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình, và đến thời điểm cuối chiến tranh, các bằng sáng chế của Farnsworth đều đã hết hạn, khiến mọi phát minh của anh trở thành ‘tài sản công cộng’.
Và đương nhiên, điều gì đến rồi sẽ đến. Ngay sau đó chính là một vụ kiện. RCA đã tuyên bố rằng một thanh niên 21 tuổi tự học không thể phát minh ra thứ phức tạp như vậy, nhưng giáo viên cũ của Farnsworth đã xuất hiện cùng bức phác thảo năm xưa của cậu học trò. Sự thật không phải là cậu thanh niên 21 tuổi, mà một thiếu niên 15 tuổi đã có thể làm được điều đó.
Năm 1934, sau khi RCA không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để bác bỏ thành quả của Farnsworth, Văn phòng Bằng sáng chế Mỹ đã đưa ra phán quyết cuối cùng, Philo Taylor Farnsworth chính là người phát minh ra máy tách hình ảnh truyền hình đầu tiên. Mặc dù vậy, RCA – thay vì Farnsworth – đã kiếm được tất cả số tiền mà truyền hình mang lại.
Sự nghiệp sau này
Năm 1938, Philo Farnsworth hồi sinh lại Đài truyền hình Farnsworth, tiền thân là công ty Farnsworth Television được ông thành lập năm 1933, đồng thời mua nhà máy ở thành phố Fort Wayne (Indiana) để sản xuất tivi và radio. Năm 1939, RCA đã đồng ý trả tiền bản quyền cho Farnsworth khi sử dụng các thành phần được cấp bằng sáng chế của ông trong hệ thống truyền hình của họ.
Mặc dù Farnsworth chiếm ưu thế trước RCA, nhưng những năm tháng chiến tranh pháp lý đã khiến ông thiệt hại nặng nề. Sau thời điểm bị suy nhược thần kinh vào năm 1939, ông đã chuyển đến bang Maine để hồi phục sức khỏe.
Đến năm 1947, Farnsworth chuyển về Fort Wayne, nơi Tổng công ty Phát thanh và Truyền hình Farnsworth đã sản xuất những chiếc tivi thương mại đầu tiên. Tuy nhiên, sau quãng thời gian gặp khó khăn, công ty của ông đã được Công ty Điện thoại và Điện tín Quốc tế (ITT) mua lại vào năm 1951.
Trải qua nhiều khó khăn sau này, cuối cùng công ty của Philo Farnsworth đã giải thể vào tháng 1/1971.
Chinh phục mặt trăng
Trở lại những năm 1960, ở tuổi 54, Farnsworth bắt đầu chán ghét những thứ mà bản thân phát minh ra. Ông đã từng hình dung về truyền hình như một ‘Sự hợp nhất vĩ đại’, một cầu nối gắn kết thế giới và chấm dứt chiến tranh.
Nhưng truyền hình khi đó lại bị coi như “một vùng đất trí tuệ mênh mông hoang tàn” và là “một cái hộp ngu ngốc”. Farnsworth thậm chí đã cấm bốn người con trai của ông xem tivi.
Mãi cho đến khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA sẵn sàng bắt tay vào cuộc chinh phục Mặt trăng, họ biết rằng họ cần phải truyền hình sự kiện hoành tráng này từ không gian cho toàn nhân loại. Và trong số tất cả các thiết kế máy ảnh mà NASA đã xem xét, thiết kế của Farnsworth là đáng tin cậy nhất.
Ngày 20/7/1969, những bước đi đầu tiên của phi hành gia Neil Armstrong trên mặt trăng đã trở thành một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất cuộc đời nhà phát minh Farnsworth. Năm 2006, khi được hỏi về những kỷ niệm, bà Pem vẫn còn nhớ Farnsworth đã quay sang cười với bà và nói: “Khoảnh khắc này đã làm cho tất cả mọi thứ đều trở nên đáng giá”.
Nhà phát minh ‘bị lãng quên’
Đã có rất nhiều cuốn sách kể về câu chuyện cuộc đời của Farnsworth và con đường phát minh ra truyền hình của ông. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, Philo Taylor Farnsworth lại không được thế giới biết đến. Có lẽ ngoài những người tìm kiếm về câu chuyện của ông, không một ai biết Philo Farnsworth là ai.
Paul Schatzkin, tác giả của cuốn sách “Cậu bé phát minh ra truyền hình”, đã đưa ra 3 giả thuyết cho hiện thực này. “Ý tưởng đầu tiên là bởi bản thân Farnsworth không quá chăm chú vào những thành tựu của chính mình. Yếu tố thứ hai có lẽ là do ảnh hưởng từ cuộc chiến bằng sáng chế kinh điển”, ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
“Nhưng lý do chính khiến chúng ta không biết đến cái tên Philo Farnsworth nhiều hơn là vì ông đã không thể giữ cho công ty của mình tồn tại. Nhìn chung, những nhà phát minh mà chúng ta biết đến thường nổi tiếng nhờ công ty mà họ thành lập”.
Ngày 11/3/1971, nhà phát minh Philo Farnsworth đã qua đời ở tuổi 64 tại thành phố Salt Lake, sau nhiều năm chống chọi với bệnh trầm cảm và chứng viêm phổi, “không một xu dính túi”.
Vào năm 2013, Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Truyền hình đã thăng cấp Philo Taylor Farnsworth vào Đại sảnh Danh vọng Truyền hình.
Kể từ năm 2003, Viện Hàn lâm đã trao Giải thưởng Thành tựu Doanh nghiệp Philo T. Farnsworth cho những công ty mang lại tầm ảnh hưởng đáng kể đối với ngành kỹ thuật truyền hình và phát sóng.
Sự ra đời của thứ mà ngày nay chúng ta biết đến như tivi và truyền hình không đơn thuần chỉ là một điểm nhỏ trong quá trình tiến hóa của loài người. Đó là một cột mốc quan trọng đối với lịch sử nhân loại.
Philo đã ở ngay điểm uốn giữa thời đại cơ học và thời đại điện tử. “Cha đẻ truyền hình” Philo Taylor Farnsworth chính là đại diện cho tiềm năng tiếp cận với một lĩnh vực tri thức mà con người chưa sẵn sàng.