Thái Thanh - Giọng ca vượt thời gian theo cách gọi của nhà văn Mai Thảo đã qua đời tại Mỹ ngày 17/3 thọ 86 tuổi. Nhớ về danh ca Thái Thanh, người Việt Nam nhớ tới một giọng ca mê hoặc với chất dân nhạc Việt Nam nhưng lại hòa quyện với tính chất opera phương Tây.
Danh ca Thái Thanh.
Danh ca Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) sinh năm 1934 ở Bạch Mai, Hà Nội, trong một gia đình nghệ sĩ. Cha bà là Phạm Đình Phụng. Các anh chị là những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Phạm Đình Sỹ, Phạm Đình Viêm, Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái), Phạm Đình Chương. Các anh chị em Thái Thanh đều nổi tiếng trong ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng một thời.
Năm 1951, gia đình anh chị nhạc sĩ Phạm Duy, Thái Hằng vào Sài Gòn sinh sống nên Thái Thanh cũng đi theo. Danh ca Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh và sinh ra ba con gái, hai con trai, đều là những nghệ sĩ nổi tiếng.
Danh ca Thái Thanh đi hát và nổi tiếng ngay từ năm 14 tuổi. Tuy không được học qua trường lớp đào tạo bài bản, nhưng với sự dìu dắt của anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, Thái Thanh đã sử dụng các kỹ năng một cách nhuần nhị. Giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao, nên thể loại nhạc bà hát cũng rất đa dạng, phong phú. Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy qua giọng ca Thái Thanh đã mê hoặc người nghe. Bên cạnh đó, nhiều bản nhạc tiền chiến hoặc nhạc sĩ ở Sài Gòn sáng tác giai đoạn 1954 - 1975 cũng được bà thể hiện rất thành công. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói: “Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào”.
Sau khi sang Mỹ định cư năm 1985, Thái Thanh thường xuyên đi diễn, thu âm, tham gia những đêm nhạc lớn. Danh ca Thái Thanh còn là khách mời danh dự của nhiều đêm nhạc hội lớn của Paris By Night. Năm 2000, danh ca Thái Thanh bị tai biến. Dù vậy, trong đêm nhạc năm 2005, giọng ca của bà vẫn gây sốc đối với khán giả vì rất thành công. Năm 2012, nghệ sĩ Ngọc Giàu từng viết: “Giờ đây, khi tiếng hát của Thái Thanh chỉ còn vang lên qua những băng cassette, những bản thu âm nhuốm màu hoài cổ thì người nghe vẫn thường gõ nhịp, gật đầu mà thán:“Trăm năm trước, trăm năm sau liệu có còn ai?”.