Xã hội

Đánh giá lại mô hình chợ truyền thống

LÊ ANH 30/11/2023 07:17

Cơ sở vật chất xuống cấp, kinh doanh buôn bán ế ẩm là thực tế đang diễn ra ở các chợ truyền thống tại TPHCM.

anh-bai-phu.jpg
Tiểu thương chợ Bến Thành gặp nhiều khó khăn do khách mua giảm. Ảnh: H.Phúc.

Chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM), đã hơn 100 năm tuổi, hiện cũng đang xuống cấp. Đầu tháng 11/2023 chính quyền quận đã đề xuất cải tạo ưu tiên chợ (giai đoạn 1). Theo đó, kinh phí khoảng 255 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện từ xã hội hóa do UBND quận 1 tổ chức.

Không chỉ chợ Bến Thành, chợ Bình Tây (phường 2, quận 6) được xây cất từ những năm 1928. Do xuống cấp, từ năm 2016 đã được chính quyền quận đã quyết định sửa chữa, nâng cấp. Thế nhưng, theo Ban quản lý chợ Bình Tây, tới nay chợ vắng khách, nhiều tiểu thương đã rời chợ để tìm kế sinh nhai mới.

Tình trạng tiểu thương phải bỏ sạp tại các chợ truyền thống cũng diễn ra ở nhiều quận, huyện khác, như chợ An Đông (quận 5); chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); chợ Phạm Văn Hai; chợ Tân Bình (quận Tân Bình)… Đáng chú ý, có thời điểm chính quyền quận 5 đã xem xét giảm 50% thuế hàng tháng trong thời gian 3 - 6 tháng cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ An Đông, nhưng nhiều tiểu thương cũng không trụ lại được.

Tại chợ An Đông, nhiều tiểu thương đã tự chuyển đổi cách thức bán hàng từ truyền thống sang thương mại điện tử. Theo chị Nguyễn Thái Trang, chủ sạp kinh doanh quần áo Thái Trang tại chợ An Đông, trước đây khi có mẫu quần áo mới vừa ra mắt thì sạp Thái Trang thường phải thuê người mẫu để chụp ảnh (dao động 300.000 đồng/mẫu, chi phí 1,5 triệu đồng/lần thuê mẫu), bên cạnh đó còn chi phí thêm nhiều khoản lặt vặt. Do kinh doanh ngày càng khó khăn, vắng khách, hiện nay sạp Thái Trang đã tập huấn bán hàng cho nhân viên qua hình thức livestream, bán hàng qua mạng TikTok, facebook…

Bà Trần Như Quỳnh - Phó trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương TPHCM cho biết, sở đang phối hợp với các quận, huyện để tìm giải pháp nâng cao “mãi lực” của chợ truyền thống. “Trước mắt, chúng tôi đang đề xuất sắp xếp, bố trí lại thương nhân ở các chợ; tổ chức, hướng dẫn thương nhân hoạt động thông qua các lớp bồi dưỡng kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, đa dạng cách thức thanh toán. Bên cạnh đó, sẽ khảo sát nhu cầu thương nhân, đánh giá nguồn hàng để từ đó có cách hỗ trợ hợp lý” - bà Quỳnh cho biết.

Song song với việc đánh giá lại mô hình chợ truyền thống, đại diện Sở Công thương TPHCM cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh xử lý các hình thức kinh doanh tự phát xung quanh các chợ để khắc phục khó khăn cho chợ truyền thống trong thời điểm mua sắm cuối năm.

“Dù có như thế nào thì chợ truyền thống vẫn sẽ tồn tại. Tuy nhiên, giải pháp nào và mô hình nào phù hợp thì trong thời gian tới Sở Công thương TPHCM sẽ có những đề xuất cùng với việc nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ trên địa bàn” - bà Quỳnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá lại mô hình chợ truyền thống