Ngày 12/11, Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM tổ chức chương trình “Dân hỏi, chính quyền thành phố trả lời”, chủ đề công tác quản lý thị trường - bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo bà Lâm Thị Thu (huyện Nhà Bè), thời gian qua, lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tuy nhiên, một số đơn vị quản lý chợ và cơ sở kinh doanh thực phẩm thiếu hiểu biết các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nên người dân chưa an tâm về nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm ở các chợ truyền thống. Do đó thành phố cần có giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tới các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Không chỉ quan tâm đến tình trạng thực phẩm không đảm bảo về chất lượng được rao bán tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng còn quan tâm đến quyền lợi được bảo vệ. Bà Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM thắc mắc: “Người tiêu dùng mua phải thực phẩm, có dấu hiệu nghi ngờ chất lượng không đảm bảo an toàn, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi sử dụng có thể nhờ cơ quan Nhà nước nào thẩm định chất lượng và giải quyết nhanh chóng?”.
Ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng Ban Quản lý chợ An Đông (quận 5) cho biết, ban quản lý chợ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm đến các hộ kinh doanh, ngành hàng thực phẩm và các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Định kỳ phân công nhân viên ban quản lý để kiểm tra, hỗ trợ, đôn đốc nhắc nhở giúp đỡ các hộ kinh doanh thực hiện đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, Ban quản lý chợ phối hợp với các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm để tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung vào bảo quản nguồn thực phẩm, bảo quản vệ sinh dụng cụ chế biến, và mở sổ sách theo dõi các nguồn thực phẩm nhập vào và các hóa đơn chứng từ phục vụ cho kiểm tra, truy xuất nguồn gốc. Ban quản lý chợ phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn để tổ chức khám sức khỏe cho các hộ kinh doanh, tư vấn hỗ trợ các vấn đề chăm sóc sức khỏe để đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện các bản cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM nhấn mạnh: Vấn đề an toàn thực phẩm trong các chợ truyền thống hoặc thức ăn đường phố, suất ăn trong khu công nghiệp,... đây là vấn đề nóng, đòi hỏi phải tập trung cho công tác này.
Theo bà Lan, thành phố có 236 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối đang được khẩn trương cùng các UBND quận, huyện chỉ đạo xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm. “Có một thực trạng, hiện các tiểu thương trong chợ lo lắng bởi số lượng khách đến chợ suy giảm với lý do nhiều người chê chợ không đủ an toàn thực phẩm, chưa bảo đảm vệ sinh. Vì vậy, chúng tôi thuyết phục các chợ phải nâng chất lượng lên như vậy người tiêu dùng mới tin tưởng, ủng hộ” - bà Lan nói.
Cũng liên quan đến vấn đề về an toàn thực phẩm, bà Lan cho biết, thức ăn đường phố luôn là một trong những mối lo. Thành phố có 13.506 cơ sở và 15.854 người hoạt động trong lĩnh vực này. Từng cơ sở ở quận, huyện đều được nắm bắt kỹ và có các chương trình thực hiện tập huấn, xây dựng mô hình điểm. Nhưng hiện mới chỉ có 118 mô hình điểm cho 72 phường xã. Thời gian tới cũng phải tiếp tục xây dựng mô hình điểm. “Nói chung thức ăn đường phố cũng phụ thuộc vào ý thức. Nếu quan sát chỗ nào không an toàn vệ sinh thực phẩm thì không nên vào” - bà Lan quan ngại.