Việc xây dựng thang bảng lương mang tính chất định tính để doanh nghiệp (DN) và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bãi bỏ quy định định 5%) hay vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% là một trong vấn đề đang gây nhiều băn khoăn.
Xây dựng bảng lương cần có những đánh giá cụ thể.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Bộ LĐTB&XH cho biết nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của DN và không phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều DN xây dựng thang, bảng lương theo thâm niên (để bảo đảm khoảng cách ít nhất 5%), dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên. Người có thâm niên nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng BHXH cao. Thực trạng này dẫn đến DN không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động để tuyển lao động mới. Chính vì vậy tại dự thảo, Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án sửa đổi quy định trên.
Thực tế cho thấy, sau 5 năm triển khai Nghị định 49 đã phát sinh nhiều vướng mắc, không phù hợp như: Nhiều DN xây dựng thang bảng lương theo thâm niên (để bảo đảm khoảng cách ít nhất 5%), dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên. Cùng với đó, nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương theo nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường, đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của DN và không phù hợp với cơ chế thị trường.
Tuy nhiên trước hai phương án mà Bộ LĐTB&XH đưa ra xin ý kiến đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh về những đề xuất xây dựng, thang bảng lương. Trước hai phương án theo đề xuất tại Dự thảo, trao đổi với báo chí, ông Vũ Quang Thọ -Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng hiện nay tiền lương của người lao động quá thấp. Mức tăng lương đã thấp, tỷ lệ giãn cách giữa các bậc lương cũng thấp chỉ 5% nếu giờ sửa đổi giảm xuống còn 3% thì NLĐ khó mà có thể sống được bằng lương. “Hiện nay với mức tăng 5% mà NLĐ đã sống lay lắt giờ nếu quy định tỷ lệ % tăng lương tối đa giữa các bậc lương là 3% thì mỗi lần DN tăng lương chỉ được vài ba chục nghìn, NLĐ sẽ rất khó để trang trải” – ông Thọ dẫn chứng.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi và xây dựng cơ chế thang, bảng lương là điều cần thiết song cũng cần phải có đánh giá tác động cụ thể tránh tình trạng sửa đổi càng làm khó NLĐ hơn. Tuy nhiên theo ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH – nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, việc chọn phương án 2 là phù hợp vì hiện nay khả năng thương lượng đàm phán của lao động với chủ sử dụng còn kém, vì thế nên chọn phương án để khoảng cách chênh lệnh giữa các bậc lương bằng 3% mức lương thay vì 5% như hiện giờ. Về lộ trình thì nên xoá bỏ khoảng cách giữa các bậc lương 5% để giao quyền tự chủ cho DN.