Ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong năm 2022 Bộ Công thương đã ban hành 7 Nghị quyết và gần 200 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về xăng dầu theo thẩm quyền. Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước, chiếm 34% tổng nguồn cung; sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7%, chiếm 61,3% tổng nguồn cung.
Ông Diên cũng cho biết, năm 2023 trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo về cơ sở, căn cứ điều hành giá, nguyên tắc và tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Từ đó kiến nghị, đề xuất liên quan đến bảo đảm nguồn cung, phương pháp tính giá, thời gian giữa hai kỳ điều hành giá, về dự trữ xăng dầu, phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, tình hình thị trường xăng dầu vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương, chưa chủ động được nguồn cung, hàng dự trữ lưu thông có thời điểm không đạt, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm để bảo đảm dự trữ bắt buộc, biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng giảm không đồng bộ.
Ông Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế ban hành kết luận và đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương để thực hiện các trách nhiệm được pháp luật quy định. Sau khi Ủy ban Kinh tế ban hành kết luận của phiên giải trình, yêu cầu các bộ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch thực hiện các giải pháp, kiến nghị về các nội dung giải trình trong thời gian tới.
Nói về việc xăng dầu tác động đến cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng yêu cầu bức thiết đặt ra là phải đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, để tìm ra nguyên nhân qua đó, đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện để khắc phục.