Vùng đất bỏ hoang ở ven sông La (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) tưởng như là vùng đất chết nay được anh Nguyễn Trung Tính, một người yêu thích làm vườn đưa hơn 300 gốc táo đại về trồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Trung Tính (38 tuổi, trú tại tổ dân phố Đại Thành, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ) cho biết, anh từng làm nghề lái xe, nhưng do sức khỏe không đảm bảo nên đã xin nghỉ để về quê làm vườn.
“Vì bản thân tôi rất thích làm vườn, trồng cây nên sau khi nghỉ lái xe, tôi đã đi một số tỉnh thành để tham khảo nhiều mô hình, trong đó tôi thấy người ta trồng táo đại dễ sống và cho về thu nhập ổn định nên đã tìm hiểu và mua giống về trồng”, anh Tính chia sẻ.
Nghĩ là làm, năm 2017, anh Tính đã thuê lại mảnh đất gần 7.000m2 ven bãi bồi sông La của HTX Đức Yên để trồng 150 gốc táo đại đầu tiên. Đây là vùng đất vốn bị bỏ hoang vì thường xuyên bị ngập úng vào mùa lũ, khô nóng vào mùa hạ, lại là đất pha cát nên không thể sản xuất.
“Vì không có đất phát triển mô hình nông nghiệp và bản thân cũng muốn đánh liều để thay đổi cuộc sống nên tôi mới thuê lại diện tích này để trồng thử giống táo đại”, anh Tính nói.
Giống táo anh Tính trồng gọi là táo đại, cây giống được anh nhập về từ tỉnh Nam Định với giá 20 nghìn đồng/cây. Ước tính số vốn ban đầu anh Tính bỏ ra cho vườn táo khoảng gần 100 triệu đồng.
Đến năm 2018, anh tiếp tục trồng thêm 150 cây, tuy nhiên, 2 năm đầu sau khi trồng, do chưa có kinh nghiệm nên vườn táo hết bị sâu bệnh hại lại bị mưa lũ gây mất mùa.
Sau một thời gian tham khảo kiến thức từ mạng Internet và có mặt tại vùng trồng táo đại ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để đúc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế nắm bắt các kỹ thuật như đốn cây, phòng trừ các loại sâu hại... nên vườn táo của anh ngày càng cho kết quả khả quan, cây táo dần phát triển tốt.
Khoảng một năm táo sẽ cho lứa quả đầu tiên, trọng lượng trung bình từ 6-8 quả/kg. Giá mỗi kg táo được anh Tính bán vào lúc cận Tết khoảng 35.000 đồng đến 40.000 đồng.
Cũng theo anh Tính, năm 2019, anh đã có thu nhập từ cây táo đại nhưng do diện tích táo bị ruồi vàng phá hoại nên chỉ lãi được 20 triệu đồng. Đến năm 2020, số tiền lãi tăng lên 80 triệu đồng và năm 2021, sau khi có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc, hơn 300 gốc táo đại đã đem về cho anh nguồn thu gần 200 triệu đồng.
“Loại táo đại trồng một năm sẽ cho thu hoạch, nếu được chăm sóc tốt, gặp thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi cây cho năng suất từ 40 - 50kg/năm. Năm nay, 300 gốc táo sẽ cho sản lượng khoảng 7 tấn. Nếu bán phục vụ Tết, ước tính tôi sẽ thu về khoảng 300 triệu đồng. Đây là giống táo cho chất lượng quả to, ngon, giòn và ngọt nên được nhiều người dân ưa chuộng, lựa chọn”, anh Tính nói.
Không chỉ tạo ra lợi nhuận từ trồng táo để nâng cao đời sống cho gia đình, anh Tính còn có dự định xây dựng vườn táo của mình thành điểm du lịch trải nghiệm, làm thêm cột sắt kiên cố, nhà lưới trồng thêm các loại hoa để người dân đến mua táo có thể chụp hình ghi lại khoảnh khắc tại vườn.
Ông Bùi Quang Thiết, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết, mô hình vườn táo của hộ anhNguyễn Trung Tính là mô hình nông nghiệp hiệu quả, có nhiều triển vọng, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
Cũng theo ông Thiết, việc trồng táo ở các bãi bồi ven sông La không chỉ đem lại giá trị kinh tế, tận dụng được quỹ đất, tạo dựng cảnh quan, chống xói mòn mà còn bảo đảm về môi trường.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động, tuyên truyền bà con đến tham quan, học hỏi để phát triển, nhân rộng mô hình này”, ông Thiết nói.