Đánh thức cầu Long Biên

HOÀNG LAN 05/11/2023 06:48

Để thu hút khách du lịch đến và ở lâu với Hà Nội, các chuyên gia du lịch cho rằng, cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh những điểm đến truyền thống, thì khai thác những giá trị lịch sử - văn hóa để tạo thành một sản phẩm du lịch mới là điều cần tính tới. Trong đó, cầu Long Biên - cây cầu sắt nổi tiếng, có tuổi đời hơn 120 năm bắc qua sông Hồng là một điểm đến vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta đang chứng kiến sự xuống cấp của cây cầu…

Cầu Long Biên - biểu tượng gắn bó với người Hà Nội. Ảnh: Thư Hoàng.

Cần khai thác “mỏ vàng” du lịch Hà Nội

Cầu Long Biên là một trong hai cây cầu thép lớn nhất thế giới đầu thế kỷ 20, được người Pháp khởi công xây dựng năm 1898 và đưa vào sử dụng năm 1902. Cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Cây cầu còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi giá trị lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Hà Nội, là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Về văn hóa, cây cầu vừa mang tính biểu tượng, vừa là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội với tên gọi có nghĩa là “thành phố ở trong sông”, cầu Long Biên đã trở thành nhịp sống, một phần ký ức của người Hà Nội vắt qua 3 thế kỷ.

Tại Hội thảo khoa học “Đổi mới, sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên”, các đại biểu tham dự đều thống nhất quan điểm cho rằng cần đưa cầu Long Biên trở thành di sản, chuyện tu bổ cầu Long Biên không nằm ngoài Quy hoạch sông Hồng và Thủ đô, sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy, cần có cơ chế chính sách.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô từ Thăng Long đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai. Cầu Long Biên đã trở thành điểm nhấn quan trọng không thể thay thế trên trục cảnh quan sông Hồng nói riêng và toàn Thành phố Hà Nội nói chung.

Chính vì thế, trải qua hơn 120 năm, theo ông Chính, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu - biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ. “Việc chuyển đổi chức năng giao thông của cây cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch, chắc chắn sẽ mang lại những giá trị kinh tế - xã hội cao hơn trong phát triển Thủ đô. Khi đó cây cầu Long Biên lại viết tiếp giá trị lịch sử của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan một đô thị xanh, thông minh, hiện đại của Thủ đô”- KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, cây cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà là cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai. “Biến cầu Long Biên thành cầu đi bộ, thành một trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp với khai thác bãi giữa sông Hồng, chắc chắn sẽ là điểm độc đáo của du lịch Hà Nội, Việt Nam và thế giới. Đây là một mỏ vàng của du lịch Hà Nội mà chúng ta chưa khai thác” - ông Nguyễn Dy Niên đề xuất.

Sớm đề xuất cầu Long Biên là di sản

Quan điểm bảo tồn nguyên trạng cây cầu Long Biên nhận được sự đồng tình của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Tuy vậy, theo KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần tiến hành kỹ càng, thận trọng. Bước đầu tiên cần tiến hành quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng một cách kỹ càng, trong đó xác định cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào. Về tổ chức cảnh quan và kiến trúc không gian đô thị khu vực cần tôn trọng tối đa quy hoạch chi tiết đã hình thành tại khu vực cầu từ thời Pháp thuộc. Bên cạnh đó, không nên xây dựng tuyến giao thông thay thế bằng cầu mới quá gần cầu hiện tại. Tuyến giao thông thay thế mới này cần tổ chức dạng kiến trúc thật đơn giản, càng giảm thiểu hiện diện hình càng tốt. Không tổ chức quy hoạch xây dựng công trình cao tầng quá gần cầu (trong phạm vi 500m). Còn về phương cách ứng xử về phục chế, ông cho rằng, cần lựa chọn cách phục chế cơ bản giữ được nguyên trạng như thời kỳ cầu được xây dựng và khai thác hết chức năng của thời Pháp thuộc (trước năm 1950). Cách làm phục chế phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trùng tu, đặc biệt là hạn chế tối đa can thiệp vào di tích, mọi sự can thiệp khi cần thiết cũng không làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích.

Muốn giữ được cầu Long Biên, theo ông Nguyễn Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trước hết TP Hà Nội cần đề xuất cầu Long Biên là một di sản. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm làm tuyến đường sắt mới thay thế tuyến đường sắt đang chạy trên cầu. Từ đó mới có cơ sở để tiến hành các phương án bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên. Công tác bảo tồn cây cầu là công việc khó và phức tạp, do đó cần xác định bước đi, quy trình thực hiện hợp lý, rõ ràng giữa nhà chuyên môn, nhà đầu tư và chính quyền.

Trong khi đó, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên phải có định hướng cụ thể đánh giá môi trường, tổ chức giao thông… Đồng quan điểm, KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị cho rằng, cần nhìn nhận và đánh giá lại giá trị của cầu Long Biên trong lịch sử và mối quan hệ của nó với cộng đồng không chỉ ở riêng Hà Nội. Cần một cách ứng xử thận trọng, khoa học và nhân văn. Việc khảo sát tổng thể và chi tiết là quan trọng và cần thiết trước các đánh giá giá trị. Trong mọi mặt cần phải có tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững. Còn GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ, ông đồng tình ý kiến dựng lại cầu Long Biên với hình hài như vốn có. “Nhiều chuyên gia xây dựng cho tôi biết với trình độ hiện nay, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng kỹ thuật xây dựng lại những dịp cầu đã bị hư hại trong chiến tranh. Tôi thấy khả năng nhờ sự giúp đỡ của Pháp để khôi phục lại một công trình mà Pháp đã từng xây dựng cho Hà Nội trên 120 năm trước là rất khả thi”, GS Lân Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức cầu Long Biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO