Giữa thế giới mênh mông của nghệ thuật, họ chọn cho mình một con đường riêng, có phần lặng lẽ, nhưng rất đáng trân quý: Đánh thức và mở lối cho những dòng tranh dân gian vốn bị chìm khuất trong đời sống đương đại.
1.Gần đây, giới họa sĩ nhiều người nhắc đến Bùi Thanh Tâm. Anh là một “ca” tương đối điển hình trong việc khai thác các dòng tranh dân gian để tạo thành một lối đi riêng. Đó là lắp ghép các họa tiết có chọn lọc, theo ý tưởng riêng, để tạo nên một tác phẩm mỹ thuật độc lập. Hay nói theo cách của Bùi Thanh Tâm, anh lựa chọn tất cả những tinh túy, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ và phát triển để đưa chúng vào một định dạng mới trong dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu và thực hành nghệ thuật một cách nghiêm túc, Bùi Thanh Tâm suy nghĩ rất nhiều về những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc... Đó là những làng nghề truyền thống đã có từ lâu, rất đáng tự hào trong dòng chảy văn hóa Việt, định hình thành những biểu tượng văn hóa dân gian. Vậy thì tại sao không sử dụng chính những cách thức đó trong nghệ thuật đương đại?
Nghĩ là làm. Nhưng cũng phải qua nhiều lần thử nghiệm, thành công có, thất bại cũng có, cuối cùng anh mới tạo thành một “định dạng mới” mang dấu vân tay của riêng mình. “Là họa sĩ đương đại, tôi muốn thứ nghệ thuật trong tranh dân gian có gì đó hiện đại hơn. Giống như mở ra một chương mới, mở ra cái nhìn mới về truyền thống. Vì thế tôi kết hợp tranh đồ họa thủ công của nghệ nhân với hội họa đương đại của nghệ sĩ để làm thành tác phẩm độc lập”, Bùi Thanh Tâm cho biết.
Đứng trước những bức tranh khổ lớn của Bùi Thanh Tâm, dễ dàng để nhận ra những họa tiết của các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống hay Kim Hoàng được anh sử dụng. Thao tác vẽ, tô màu được thay thế bằng thao tác cắt dán collage, tạo nên những tác phẩm tập hợp đa dạng các chất liệu, kỹ thuật dân gian.
Đặc biệt, họa sĩ Bùi Thanh Tâm đã sử dụng kỹ thuật thếp vàng, thếp bạc của các làng nghề truyền thống vào những tác phẩm này. Nhưng tác phẩm của Bùi Thanh Tâm đã mang một thông điệp nghệ thuật khác, khi anh có dụng ý để kể một câu chuyện nghệ thuật của mình.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm cho biết, anh phát triển ý tưởng các bức tranh không xuất phát từ cái nhìn thấy trực tiếp, mà hiện diện ở cách thực hành của nghệ sĩ, bằng việc đến làng nghề, gặp gỡ và làm việc cùng nghệ nhân. Lựa chọn các chất liệu dân gian, theo Bùi Thanh Tâm, giờ đây không đơn giản chỉ là sự hoài nhớ về nghệ thuật truyền thống hay khích lệ sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa mà cần nâng tầm để có thể xuất hiện trên các sàn nghệ thuật đương đại quốc tế.
Vẫn là hình ảnh đám cưới chuột, cậu bé trong tranh vinh hoa - phú quý, cá chép, gà đàn, mục đồng thổi sáo… nhưng các vật thể được trộn lẫn vào nhau, dát vàng dát bạc lên để biến tấu thành những vật thể khác. Ở đó, con người không phải là trung tâm mà chỉ là một thành tố, cùng kể câu chuyện nghệ thuật.
Hướng đi này, thực tế đã được Bùi Thanh Tâm triển khai sau triển lãm cá nhân “Monalisa” gây tiếng vang ở trong nước và quốc tế. Nhưng chính anh thừa nhận, đó là hành trình gian nan, và phải đến thực hành lần này, với hành trình hơn 3 năm qua theo đuổi mục tiêu tái tạo một thứ gì mới cho nghệ thuật truyền thống - vốn là giá trị căn cốt của văn hóa Việt, thì anh mới cảm thấy rõ hơn về con đường mình theo đuổi.
2.Khác với họa sĩ Bùi Thanh Tâm, nhà sưu tập tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa lại tìm cho mình một lối đi khác. Đó là gìn giữ, khôi phục, và đánh thức các dòng tranh dân gian qua những việc làm hết sức thiết thực.
Người ta vẫn còn nhớ, khoảng 6 năm trước, Thu Hòa cùng các cộng sự của mình nỗ lực khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Đây là dòng tranh đã thất truyền hơn 70 năm. Lặng lẽ và bền bỉ khôi phục, trưng bày triển lãm, ứng dụng các họa tiết tranh trên các sản phẩm tiêu dùng, đến nay, có thể nói dòng tranh Kim Hoàng đã có chỗ đứng trong đời sống đương đại. Không chỉ những mẫu tranh nổi tiếng được khôi phục, mà một số nghệ nhân, họa sĩ đương đại còn góp sức sáng tác thêm mẫu tranh mới.
Không chỉ nặng lòng với tranh Kim Hoàng, một dòng tranh khác của Hà Nội là tranh dân gian Hàng Trống cũng được nhà sưu tập Thu Hòa quan tâm. Chị nhận ra một thực tế, nếu không có những việc làm thiết thực, thì dòng tranh này cũng sẽ rất dễ bị mất dấu. Bởi cả dòng tranh nổi tiếng của Hà Nội đến nay chỉ còn một nghệ nhân. Mà nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên thì cũng đã già, sức không còn khỏe như xưa.
Chính vì thế, trong khoảng 5 năm qua, nhà sưu tập Thu Hòa đã tiếp xúc liên tục với nghệ nhân Lê Đình Nghiên để nghiên cứu, và mới đây công trình “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” đã ra mắt, được bạn đọc đánh giá có nhiều nét riêng, góp phần quan trọng bảo tồn dòng tranh quý của đất Kinh Kỳ.
Nhưng không chỉ dừng lại ở những dòng tranh của Hà thành, Thu Hòa còn nặng lòng với các dòng tranh, làng tranh dân gian trên cả nước. Chị đã xuôi ngược về làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) hàng trăm chuyến để trò chuyện với các nghệ nhân. Cũng vậy, những chuyến đi vào TP Hồ Chí Minh nghiên cứu tranh kính, tranh vải; rồi ngược các tỉnh vùng cao phía Bắc để nghiên cứu các dòng tranh tranh thờ; vào Huế nghiên cứu tranh Làng Sình, …
“Khi đi đến cách địa phương để tìm hiểu về dòng tranh dân gian tôi mới giật mình, nếu không sớm, không nhanh, và có những việc làm thiết thực thì nhiều dòng tranh sẽ mai một khi các nghệ nhân cao tuổi mất đi mang theo những câu chuyện và bí quyết làm tranh cả đời tích lũy”, nhà sưu tập Thu Hòa chia sẻ.
Từ ý thức đó, chị đã tự xoay xở tài chính cá nhân để thực hiện những công trình nghiên cứu của mình. Nhà sưu tập Thu Hòa cũng đang dành nhiều thời gian để hoàn thiện công trình nghiên cứu về tổng tập tranh dân gian Việt Nam. Ước tính khoảng 30 dòng tranh dân gian trải dài khắp đất nước sẽ được nghiên cứu, và xuất hiện trong tổng tập này. “Tôi mong một ngày các dòng tranh dân gian Việt Nam sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong cuộc sống đương đại”, Thu Hòa nói.
3.Họa sĩ Bùi Thanh Tâm và nhà sưu tập Thu Hòa là hai cái tên khá tiêu biểu trong câu chuyện khai thác, đánh thức tranh dân gian, để những giá trị truyền thống có thể xuất hiện trong đời sống đương đại trong một hình thức mới. Rất may, trong thời gian gần đây, những “cánh én” ấy đã không còn đơn độc. Người ta nhận ra có sự tiếp ứng, có sự lan tỏa.
Khi gần đây có thêm những họa sĩ, sinh viên đang theo học mỹ thuật cũng khai thác các họa tiết tranh dân gian để hình thành tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật khác. Đó là những cách để tranh dân gian đi vào đời sống, và thậm chí, các tác phẩm tốt sẽ xuất hiện trong các bộ sưu tập nghệ thuật của quốc tế. Bằng cách ấy, tranh dân gian Việt Nam sẽ cất lên tiếng nói nghệ thuật, lan tỏa với cộng đồng yêu nghệ thuật thế giới…