Hoàng Mạnh Ngọc, sinh năm 1970, tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Sinh ra, lớn lên tại nơi có đỉnh Phia Oắc nổi tiếng, một vùng sinh thái tuyết phủ mùa đông, mát lạnh rừng rêu lan man trong mùa hè, Ngọc từng khát khao làm một cái gì đó để giữ những rừng thông cổ thụ và các biệt thự cổ kính có từ thời thuộc Pháp. Vẻ đẹp ấy quyến rũ mọi thế hệ, mọi ánh nhìn. Nhưng làm thế nào để đánh thức tiềm năng ấy? Anh đã quyết tâm liên kết các nông hộ trên núi cao lại, làm chè sạch, chè chất lượng cao, hà
Hiệp sĩ chống lại chè độc hại
Giữa lúc vùng cao còn gian khó, Ngọc đứng ra thành lập công ty chuyên thực hiện các công trình mở đường, xây dựng cơ bản; hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Cao Bằng. Sau này, có chút vốn liếng, anh tính: làm gì đó ẩn mình vào thiên nhiên, vừa được sống trong bình an, gần băng tuyết trong ngần đỉnh Phia Oắc, thư thái với bình nguyên hàng nghìn héc-ta huyền thoại của Phia Đén; vừa tạo công ăn việc làm cho bà con ở một vùng rộng lớn; vừa hy vọng đón đầu được một tương lai hợp thời: kinh doanh thực phẩm và dược liệu sạch.
Hoàng Mạnh Ngọc bỏ nhiều tỷ đồng lập một công ty có cái tên rất lãng mạn: Kolia. Vừa làm du lịch sinh thái giữa đất trời mênh mông, trên đỉnh núi cao danh tiếng; vừa đánh thức tiềm năng nuôi gà lợn, làm miến dong Cao Bằng, trồng chè ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển; vừa đưa công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới vào nhuận sắc cho phương thức canh tác truyền thống vốn rất đáng trân trọng của người Dao ở Phia Đén.
Để thực hiện kế hoạch đó, Ngọc bỏ vốn, quy hoạch cả vùng dăm chục héc-ta của bình nguyên Phia Đén vời vợi để làm thương hiệu Trà đặc sản cao cấp danh tiếng. Xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) và bán chè sạch chất lượng cao đi khắp mọi miền. Ngọc sớm nghiên cứu và biết: trên Phia Oắc và Phia Đén, hiện vẫn còn các cây chè cổ thụ và vùng chè truyền thống lâu đời của bà con người Dao đỏ, Dao tiền và người dân tộc Nùng.
Sau nhiều ngày đi điền dã và say mê với chất chè dường như kết tinh sương khói và khoáng chất của vùng rừng núi kỳ ảo này, anh Ngọc đã hiểu và say mê với những đặc sản núi rừng như lá chè xanh đã ngậm hương rừng sắc núi, lúc pha trà thì hương thơm lan tỏa, uống xong thì vị chát vị ngọt còn ngậm mãi ở miệng người thưởng thức. Lần đầu tiên anh cảm nhận được sự tinh tế, vi diệu của vị trà, ấy là khi đắm mình với Phia Đén. Anh đã xúc động thật sự, anh ước ao bảo tồn được hệ thống rừng chè cổ trên đỉnh núi thần tiên kia. Đó là cơ sở để ý tưởng quy hoạch vùng chè mênh mông, làm chè thương phẩm và xuất khẩu ra đời.
Thu hoạch và chế biến chè sạch ở bình nguyên Phia Đén.
Anh đã đi Đài Loan nhiều lần, để tìm hiểu thị trường phía bạn. Họ cần gì và Phia Đén có gì cho họ? Mạnh dạn đầu tư kinh phí mời đoàn chuyên gia của bạn sang thăm Phia Đén, đến từng hộ gia đình người Nùng, Dao tiền và Dao đỏ ở xã Thành Công (nơi có núi Phia Đén) hỏi thăm nguyện vọng của bà con, nghiên cứu các cây chè cổ thụ cả trăm năm tuổi, Hoàng Mạnh Ngọc càng hạ quyết tâm thắp ngọn lửa mới cho bình nguyên này bằng cây chè sạch, giống mới, công nghệ mới, thị trường mới.
Viện Nghiên cứu về nông nghiệp, rồi Sở NNPT&NT tỉnh Cao Bằng từng có đề án tôn vinh vùng chè Phia Đén để trồng chè sạch chất lượng cao từ hơn 10 năm trước, nay Hoàng Mạnh Ngọc quyết tâm thổi luồng sinh khí mới cho công cuộc quá trình “đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng” này. Các chuyên gia của Đài Loan, do nghệ nhân trà nổi tiếng là ông Từ Quốc An dẫn đầu đã rất ngạc nhiên, khi phát hiện ra rằng: các dãy núi cao bao quanh bình nguyên này dường như đã được trời đất sinh ra để cho việc trồng chè.
Điều kiện quá lý tưởng. Nhiệt độ ban ngày không bao giờ quá 22 độ, đêm về thường xuống tới 15-17 độ. Sương mù ngậm mọi cây cỏ quanh năm, thỉnh thoảng trời đất lại kéo một đám mây ngang trời, mang mưa xuống tưới tắm cho thiên nhiên và con người Phia Đén. Đặc biệt, độ cao của bình nguyên thoai thoải ấy rất lý tưởng để trồng chè Bát tiên, Ô long: cao 1.000m so với mực nước biển.
Nó cũng rất lạ, là các chuyên gia thử kẻ một đường thẳng trên bản đồ, kéo từ vùng chè nổi tiếng trên lãnh thổ Đài Loan xuống vùng chè Phia Đén và tỉnh Cao Bằng, thì nó rất thẳng theo vĩ độ 23,5. Điều đó có nghĩa là: chè sạch, chè đặc sản ở Phia Đén cũng rất ít chịu tác động của khí hậu xích đạo, giống vùng chè danh tiếng của Đài Loan đã nhiều năm khẳng định thương hiệu lớn kia. Điều này càng củng cố quyết tâm của Hoàng Mạnh Ngọc.
Anh Ngọc đi khắp các vùng chè vùng thấp như Thái Nguyên, vùng cao chè shan tuyết như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái để tìm hiểu công nghệ làm chè an toàn, phân tích cái độc hại của lối làm chè thời cơ chế thị trường cẩu thả. Dần dà anh nghiện chè, bộ đồ pha trà của anh công phu cầu kỳ và rất hiện đại. Đặc biệt, sau quá trình phải lòng hương trà Phia Đén, giờ đây, chỉ lướt qua màu nước, mùi hương hay một tẹo nước chè của đối tác, là anh hiểu nó lành hay nó độc. Họ chăm bón ướp tẩm những gì. Từ cái Tâm của người con miền sơn cước yêu quê hương, Hoàng Mạnh Ngọc càng quyết tâm đưa ra một tuyên ngôn, một cuộc cách mạng nhỏ trong trồng và chế biến chè Phia Oắc. Anh sẽ là một hiệp sĩ, không thể để vàng thau lẫn lộn được.
Cây chè cõng cả ánh sáng văn hóa về bản
Anh học bà con người Dao cách phơi sương ướp ủ chè, anh đi tập huấn mang về 10 loại phân hữu cơ an toàn để bón cho 10 loại chè khác nhau, để chè hái về cùng lành tính và nó có hương vị đặc sắc khác nhau. Anh nhập chè Ô long, Bát tiên, Long tỉnh, Bạch hạc Ô long... về trồng. Anh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, làm công nhân kỹ thuật chè với bà con ở hàng trăm nông hộ đã nhiều đời sản xuất chè. Anh cam kết trồng và sản xuất chè sạch với các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Bà con làm chè, hương chè chưa bao giờ vượt qua các dãy núi trùng điệp của Cao Bằng, có khi chỉ bán với giá rất rẻ là 40 nghìn đồng/kg. Đói vẫn hoàn đói, dù đôi tay đã mòn vẹt vì hái chè, đã bao đời bám nhựa đen kịt vì vắt, đạp, xao, đảo chè.
Công nghệ Organic Quốc tế, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm VietGAP được chuyên gia về tận núi non tập huấn cho các nông hộ. Lô hàng đầu tiên xuất sang Đài Loan thành công, giá bán từ 2 triệu đến 6 triệu đồng/kg, mà đối tác vẫn tấm tắc khen ngợi. Lợi nhuận phân chia hợp lý, bà con người Dao phấn khởi gọi bình nguyên chè mênh mông mấy chục héc-ta của Ngọc là một ngọn đèn mới, thắp sáng vùng núi cao heo hút lam lũ bao đời này. Đã có sẵn tài sản là hơn 20 ha đất trồng chè, công ty vừa ký hợp đồng với bà con người Dao, đánh thức các nương rẫy mây mù ở độ cao 1.300m so với mực nước biển để trồng và canh tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn chè sạch - đặc sản của quốc tế.
Sau gần 6 năm vận hành, Hoàng Mạnh Ngọc đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng và hệ thống máy móc hiện đại rộng hơn 400m2 trị giá nhiều tỷ đồng, với công suất 1 tấn chè khô/ngày, ngay trên đỉnh của bình nguyên Phia Đén! Sau quá trình sản xuất đến đâu bán hết đến đó, tham dự nhiều hội chợ Việt Nam và quốc tế, Kolia đang rất hào hứng đi sâu vào lĩnh vực chè đặc sản cao cấp. Dự kiến, năm 2020, sẽ có hơn 200ha chè sạch đặc sản được ra đời, công ty hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp vốn và nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho toàn bộ khu vực.
Trong những ngày tình cờ lạc vào bình nguyên Phia Đén, chúng tôi tình cờ gặp người đàn ông dân tộc Dao Triệu Văn Ngàn, ông thở dài, nhà ông có tới 6.000 gốc chè Phúc Vân Tiên xanh tốt mấy chục năm tuổi, suốt đời hái chè mà vẫn nghèo khó. Cho đến một ngày Kolia đến đặt vấn đề làm ăn theo lối mới, làm chè sạch và ngon hơn, công việc rõ là nhàn hơn, đáng tự hào hơn vì mình đã đem thứ chè tử tế không phun thuốc trừ sâu gây hại cho cộng đồng. Đấy là chưa kể, thu hập của bà con đã tăng gấp 4 lần.
“Chúng tôi mừng lắm. Làm ăn có hợp đồng, hai bên cùng có lợi, không có gì tôi phải nịnh anh Ngọc cả. Nói khách quan, là tay này không chỉ mang tiền về cho bà con, nó còn mang ánh sáng văn hóa về nữa. Nó đầu tư 20 tỷ đồng rồi. Đường điện về, nước kéo về từ đỉnh núi bên kia, cách 10km về bản Phia Đén. Nó lại còn xây thêm hồ chứa cả nghìn mét khối nước, vừa đẹp vừa tiện tưới tiêu cho bà con. Hàng nghìn người đến đây nghỉ dưỡng, đặc sản măng, nấm, miến dong, củ khoai củ sắn, con dê con gà bây giờ cũng có giá hơn xưa. Nó còn mang các cây, con giống mới khắp mọi miền, từ cả Đài Loan (Trung Quốc) về trồng nữa. Bây giờ con tự hào về Phia Đén quê mình lắm”- ông Du Văn Síu, Chủ tịch UBND xã Thành Công thẳng thắn nói.
Hoàng Mạnh Ngọc và một cây chè cổ thụ ở Phia Đén.
Trong không gian sương khói và xanh bát ngát nương chè cùng nhiều loại cây đặc sản, giữa non cao, các loài gia súc gia cầm sum vầy, Hoàng Mạnh Ngọc và cộng sự đã tạo nên một mô hình sản xuất và du lịch sinh thái khép kín. Khu nghỉ dưỡng “ngàn sao” giữa bình nguyên dường như vô tận, nơi này đã là một thắng cảnh nổi tiếng từ hàng trăm năm trước. Nay có đủ đặc sản núi rừng, lương thực thực phẩm an toàn tự sản xuất, phân gia súc gia cầm lại điều chế các loại phân hữu cơ bón cho chè đặc sản và cây trồng nói chung. Chè xuất bán trong và ngoài nước cung không đủ cầu. Núi non được đánh thức.