Đạo diễn Phan Đăng Di: Đừng nghĩ phim Việt đã đủ sức cạnh tranh

Cẩm Thúy 09/09/2016 09:05

"Nói chung thì đội ngũ làm phim của mình vẫn còn thiếu và yếu. Bởi vì trong một thời gian dài trước đây mình đã không chuẩn bị cho việc có một ngày sẽ có một nền điện ảnh công nghiệp Việt Nam. Đào tạo điện ảnh của mình nói chung là yếu và lực lượng chủ yếu làm phim thời gian qua và cho đến nay chủ yếu là đạo diễn Việt kiều về, họ gần như thống lĩnh."

Đạo diễn Phan Đăng Di. (Ảnh: dep.com.vn).

PV: Theo anh, điện ảnh Việt Nam hiện nay đang phát triển hay đang thụt lùi?

Phan Đăng Di: Tôi nghĩ là nó đang ở thời kỳ phát triển chứ không phải đang đi xuống. Số lượng phim cũng không ít, mỗi năm trung bình bây giờ có khoảng 50 phim. Dư địa để nó tiếp tục phát triển vẫn còn rất lớn.

Vậy cái khó nhất của các nhà làm Việt hiện nay là gì?

- Nó có vấn đề khách quan là hiện nay phim nước ngoài nhập khẩu chiếu tại Việt Nam rất nhiều, chất lượng của nó thì phim Việt chưa thể cạnh tranh được. Sức cạnh tranh của phim ngoại rất lớn. Tôi nghĩ rằng không thể chia khó khăn thành từng việc được. Nhưng bây giờ có thuận lợi là nếu làm phim thương mại thì không khó để có cơ hội làm, thậm chí ta còn đang không đủ người làm, nhân lực ở tất cả các khâu chưa đủ người làm.

Các cụm rạp hiện đại chưa từng có, cũng không thể nói khán giả quay lưng với điện ảnh vì các rạp đều kín các suất chiếu. Vậy điều gì khiến chúng ta chưa có một nền công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa?

- Chúng ta đang hình thành nền công nghiệp điện ảnh chứ chưa thể trở thành. Bởi vì thứ nhất cơ hội để phim Việt lấy lại thị trường mới chỉ bắt đầu mấy năm gần đây. Thứ hai là nói là nó đang phát triển thôi chứ qui mô nền điện ảnh của mình còn quá nhỏ. Đưa ra những con số ví dụ để có thể hình dung, nguồn thu của toàn ngành điện năm ngoái, cả hệ thống phát hành và hệ thống các rạp chiếu phim của Việt Nam năm 2015 cũng mới chỉ có 140 triệu đô la. Mình nhìn sang khu vực để biết, trong lúc đó riêng kinh phí để Trương Nghệ Mưu làm một cái phim mới là 150 triệu đô la. Nghĩa là tiền đầu tư cho một bộ phim Trương Nghệ Mưu hiện nay đang làm còn hơn cả qui mô cả nền điện ảnh của mình. Đó, nói thế để thấy nó đang phát triển nhưng rất ít, qui mô của mình vẫn đang rất nhỏ so với dân số và so với các nước trong khu vực.

Tại sao điện ảnh còn chưa trở thành một ngành công nghiệp ư? Là vì qui mô quá nhỏ và lợi nhuận còn ít thì nguồn đầu tư vào điện ảnh chưa nhiều và chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn. Cho nên nó vẫn ở mức độ sơ khai. Đừng nghĩ là đã phát triển và có thể cạnh tranh được những phim lớn của nước ngoài. Bởi vì chị biết đấy các phim hiện được nhập về Việt Nam chiếu rạp kinh phí sản xuất nó khổng lồ thế nào.

Đội ngũ các nhà làm phim Việt thì sao thưa anh? Có đủ lực để làm ra những bộ phim cạnh tranh được và đưa nền điện ảnh phát triển không?

- Cơ hội làm phim bây giờ dễ hơn. Mỗi năm bây giờ làm từ 40 đến 60 phim thì cần rất nhiều người làm, không chỉ đạo diễn mà còn các bộ phận khác, ví dụ họa sĩ thiết kế, ánh sáng, quay phim, kỹ thuật… Nên nói chung thì đội ngũ làm phim của mình vẫn còn thiếu và yếu. Bởi vì trong một thời gian dài trước đây mình đã không chuẩn bị cho việc có một ngày sẽ có một nền điện ảnh công nghiệp Việt Nam. Đào tạo điện ảnh của mình nói chung là yếu và lực lượng chủ yếu làm phim thời gian qua và cho đến nay chủ yếu là đạo diễn Việt kiều về, họ gần như thống lĩnh. Đạo diễn trong nước cũng đã có những gương mặt mới nhưng vẫn là lượng nhỏ, chưa lớn.

Anh có thể kể ra những cái tên? Tôi nghĩ là đã có một thế hệ đủ tài năng và tâm huyết.

- Làm phim thương mại thì phải kể đến Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Hàm Trần… đều là các đạo diễn Việt kiều về nước. Gần đây có thế hệ Phạm Gia Nhật Linh, Vũ Ngọc Phượng… – họ ở Việt Nam không phải Việt kiều nhưng đi học nước ngoài về. Còn những gương mặt quen thuộc như Vũ Ngọc Đãng hay Nguyễn Quang Dũng thì bao nhiêu năm nay họ vẫn làm phim thôi. Thực ra nền điện ảnh tuy vậy nó cũng chỉ quanh đi quẩn lại mấy cái tên đó thôi không phải là được mở rộng ra nhiều lắm.

Muốn có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, phải có chiến lược đầu tư từ nhà nước hay cứ để như hiện nay, gọi là xã hội hóa, thị trường có nhu cầu xem phim thì có nhà đầu tư vào điện ảnh?

- Phải có chiến lược tầm cỡ quốc gia chứ, tất nhiên cũng có sự điều chỉnh của thị trường.

Một ví dụ điển hình ở châu Á là Hàn Quốc, chính phủ họ đã có chiến lược cho điện ảnh, để tạo ra một làn sóng Hàn Quốc trên khắp thế giới hiện nay?

- Mình không thể so được với Hàn Quốc, vì qui mô kinh tế giữa mình và Hàn Quốc quá chênh lệch. Điện ảnh Hàn Quốc đã vươn lên tầm ảnh hưởng tới toàn thế giới. Họ có những sản phẩm nổi tiếng và có công nghệ điện ảnh nổi tiếng, họ có nền điện ảnh mạnh hàng đầu Châu Á. Thật khó để so sánh với người ta. Nhưng rõ ràng để có ngày hôm nay, họ có định hướng đúng. Chính sách của họ trong phát triển kinh tế và phát triển điện ảnh là hướng đi đúng. Họ hướng đến việc đổi mới công nghệ, hướng tới cởi trói ở mọi lĩnh vực để làm sao có nền công nghiệp điện ảnh. Họ nhìn tới các nền điện ảnh phát triển, cụ thể là Mỹ. Họ cử những người giỏi nhất đi Mỹ học tất cả các khâu để vận hành của một nền điện ảnh. Hơn nữa họ không chỉ chú ý đến thương mại. Điện ảnh của họ vừa có cái vững chắc của một nền điện ảnh của những tài năng được đầu tư bài bản vừa là nền điện ảnh có sức cạnh tranh. Chính phủ Hàn Quốc ngay từ sớm nhận ra thực ra điện ảnh không chỉ là giải trí, không chỉ là nền công nghiệp, mà ngay từ đầu họ đã thấy sức mạnh mềm, nó quảng bá cho hình ảnh quốc gia và cho các sản phẩm khác của đất nước họ. Họ tìm mọi cách để cho nền điện ảnh phát triển được. Ví dụ đầu tư lớn về con người, cơ sở hạ tầng ban đầu do nhà nước đầu tư, đảm nhận và làm rất tốt, họ chọn những người giỏi nhất để đi học. Rồi trong mọi lĩnh vực thì họ có sự cởi mở, nhà nước không ngáng chân điện ảnh bằng sự kiểm duyệt khắc khe. Họ để những hiệp hội nghề nghiệp có tiếng nói rất lớn. Có cái này bản thân những nhà làm phim Việt Nam phải học đó là sự đoàn kết của những người làm điện ảnh. Tự họ đoàn kết lại để tạo ra một sức mạnh, khi điện ảnh của họ chưa đủ mạnh mà có sự cạnh tranh của bên ngoài thì họ đề xuất việc không thể cho nhập phim nước ngoài quá nhiều vào thị trường nội địa. Họ rất đoàn kết với nhau, không phải với lợi ích trước mắt mà họ nhìn thấy lợi ích của quốc gia, dân tộc trong tương lai.

Nói về việc phát hành phim tạo lợi thế cho phim nội thì anh có ý kiến gì về việc nhà phát hành phim lớn nhất Việt Nam CVG từ chối phát hành phim Tấm Cám vừa qua?

- Tôi nghĩ câu chuyện vừa rồi là chuyện bình thường của thị trường. Bản thân CVG cũng từng phát hành những phim Việt Nam khác chứ không phải họ không phát hành phim Việt Nam. Còn trong kinh doanh tỉ lệ ăn chia thế nào đó mình cũng phải hiểu là luật chơi thôi. Nếu mình đưa một cái món hàng đến mà họ không đồng ý bán hàng cho mình thì thôi.

Thực ra mà nói nếu mình có một món hàng hay, hấp dẫn khán giả thì không có ai dại để từ chối phát hành cả. Nhưng có một vấn đề mình nên nhìn ra trong câu chuyện phát hành Tấm Cám. Đó là vấn đề nội lực của nền điện ảnh Việt Nam. Người Việt Nam phải ngồi lại cùng nhau để tìm cách làm thế nào phát triển nền điện ảnh. Hiện nay vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Thường ít khi có đầu tư nào bài bản. Nhà nước thì cũng bó hẹp trong lĩnh vực nào đó thôi. Ngay cả các hãng phim tư nhân cũng chưa có sự đoàn kết tìm ra cách cùng nhau phát triển. Ít nhất là về mặt con người, làm sao để tìm ra được những người để có tác phẩm hay.

Tất cả chúng ta đều trông chờ cái gì đó. Nhưng nếu phim Việt Nam chưa đủ mạnh, chưa tốt, chưa đủ sức cạnh tranh thị trường thì chưa có một tiếng nói mạnh được. Chỉ đến khi một nền điện ảnh có tác phẩm tốt rồi thì không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản.

Bộ phim thứ hai của anh, “Cha và con và” cho đến bây giờ cũng chưa phát hành được ở trong nước?

- “Cha và con và” là phim Việt Nam đầu tiên chiếu ở Liên hoan phim Berlin. Nó đã phát hành thương mại ở nhiều nước trong năm vừa qua rồi. Đặc biệt nó là phim Việt Nam đầu tiên phát hành rộng rãi ở Pháp. Nhưng chúng tôi rất là khó trong việc phát hành ở Việt Nam. Thì đó là thực tế mà mình phải chấp nhận thôi. Tôi cũng đã đến gặp CVG họ nói là họ chỉ có thể phát hành rất hẹp trong những rạp nghệ thuật của họ thôi. Họ không phát hành trong hệ thống rộng rãi được. Thì mình cũng phải chấp nhận thôi. Mình không thể đòi hỏi họ phải ưu đãi mình được. Vì cái quan hệ của mình là quan hệ mình có hàng và người ta là người bán hàng cho mình thì đôi khi người ta không sẵn sàng thì mình cũng phải chịu.

Nghĩa là những bộ phim Việt Nam làm ra lại không đến được với khán giả Việt?

- Cái đó nó xảy ra trên thế giới, ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng vậy, có những cái phim của các tác giả có giải thưởng lớn ở các liên hoan phim quốc tế chưa chắc đã được chiếu tại rạp trong nước, hoặc có thể chiếu cũng chưa chắc đã thu được thành công. Chỉ có duy nhất trên thế giới là ở Pháp và một số nước châu Âu có thị trường cho phim nghệ thuật và được vận hành tốt. Thị trường ấy có công của chính phủ họ nữa. Đồng thời cũng có lợi thế là dân trí, thẩm mỹ nghệ thuật của những nước ấy nó cho phép những phim nghệ thuật hoặc phim tác giả có chỗ đứng. Còn ở Việt Nam hay một số nước châu Á phim nghệ thuật có khó khăn chung. Đó là vấn đề gặp phải ở nhiều nước chứ không phải chỉ ở Việt Nam.

Giống với “Đập cánh giữa không trung” của chị Nguyễn Hoàng Điệp, nó được phát hành ở nước ngoài rồi mãi mới chiếu ở Việt Nam?

- “Đập cánh giữa không trung” có thuận lợi hơn vì đã được phát hành ở Việt Nam và thu được thành công về phát hành. Còn phim của tôi thậm chí đến giờ còn chưa biết bao giờ mới được phát hành ở Việt Nam. Mặc dù phim này khi phát hành thương mại ở Pháp thì nó cũng tương đối thành công. Nó phát hành rộng ở tất cả các thành phố ở Pháp, trong 3 tháng chứ không ít.

Như vậy là Việt Nam chưa có khán giả cho phim nghệ thuật?

- Chưa có thị trường, chứ nói là chưa có khán giả thì không đúng. Cũng có một lượng khán giả nhưng lượng khán giả đó chưa đủ lớn để tạo ra một sự dẫn dắt đủ thúc đẩy thị trường phát triển.

Dự án sắp tới của anh?

- Tôi đang chuẩn bị quay một bộ phim về buổi họp lớp của những người 40 tuổi.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn Phan Đăng Di: Đừng nghĩ phim Việt đã đủ sức cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO