Đây là mục tiêu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ” năm 2018. Mục tiêu sẽ có trên 79% lao động có việc làm sau học nghề. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn thành phố từ 53,8% (cuối năm 2017) lên 55,3% (cuối năm 2018)…
Bà Trần Thị Xuân Mai (áo tím), Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố Cần Thơ chứng kiến ký kết đào tạo và giải quyết việc làm.
Dạy nghề phù hợp với nhu cầu học viên và đơn vị tuyển dụng
Ghi nhận từ các học viên của quận Ô Môn tham gia vào đề án đào tạo nghề, hầu hết các học viên đều hứng khởi với đề án và các ngành nghề đưa ra để đào tạo (tuỳ vào từng địa phương – PV).
Có mặt tại buổi khai giảng lớp làm móng tay do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) quận Ô Môn phối hợp UBND phường Long Hưng chị Võ Thị Thúy Hằng, ở khu vực Thới Hưng, bày tỏ: “Thấy phường kêu tôi đăng ký học nghề lại đúng với sở thích tôi đăng ký ngay. Điều quan trọng hơn cả là sau khi học xong là đảm bảo có việc làm ngay nên cũng yên tâm. Học viên lo nhất là học xong không có việc làm…”
Theo ông Phạm Thành Thông, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX quận Ô Môn, cho biết: Năm 2017 vừa qua, Trung tâm phối hợp mở lớp nghề may gia dụng cho 35 phụ nữ phường Long Hưng. Hầu hết toàn bộ chị em đã có việc làm tại công ty may hay nhận may hàng gia công cho các cơ sở may tư nhân, đảm bảo thu nhập ổn định.
Theo Phòng LĐTB&XH quận Ô Môn, kế hoạch năm 2018, quận sẽ mở 12 lớp nghề (trong đó 3 lớp nghề nông nghiệp và 9 lớp nghề phi nông nghiệp) cho 420 lao động. Các phường đã làm tốt khâu điều tra, khảo sát nhu cầu người lao động để chọn đúng đối tượng học nghề, tạo việc làm; tư vấn, định hướng học nghề phù hợp nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp, dễ tìm việc làm tại địa phương.
Mới đây tại buổi khai giảng lớp nghề cho chị em phụ nữ phường Long Hưng, quận Ô Môn, khởi động cho Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ” (Đề án ĐTN) năm 2018, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố Cần Thơ tiếp tục đề nghị, đơn vị đào tạo nghề phối hợp chặt chẽ UBND phường trong quản lý, kiểm tra lớp học. Thực hiện chương trình dạy nghề phải phù hợp, đáp ứng trình độ và nhu cầu của học viên và có việc làm nhưng phải đảm bảo yêu cầu đơn vị tuyển dụng. Thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với học viên. Đồng thời, chú trọng liên kết các bên liên quan, đảm bảo việc làm, thu nhập sau học nghề cho lao động.
Nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ năm 2018 sẽ có 123 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phân bổ theo nhu cầu các quận, huyện. Có gần 30 đơn vị đào tạo đủ năng lực, có kinh nghiệm dạy nghề cho lao động nông thôn. Điểm đặt biệt năm nay, thành phố ưu tiên hơn trong việc đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách xã hội và người lao động chưa có việc làm, việc làm chưa ổn định có nhu cầu học nghề để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.
Lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ.
Tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ, năng lực vào làm việc các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án đầu tư lớn và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để chuyển đổi nghề. Đồng thời, đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận lao động nông thôn để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỷ lệ giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động thành phố, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các đơn vị đào tạo tham gia dạy nghề phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tìm nguồn giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn.
Thời gian qua, thành phố tập trung các hoạt động: tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề; hỗ trợ dạy nghề cho lao động; giám sát và đánh giá tình hình thực hiện Đề án ĐTN…
Theo ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ, kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm nay xây dựng theo nhu cầu học nghề, việc làm của lao động và nâng chất nguồn nhân lực địa phương. Các quận, huyện đăng ký mở các lớp nghề trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung xây dựng mô hình về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.
Quá trình thực hiện kế hoạch, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề, nhất là rõ ràng, minh bạch trong thực hiện các chính sách hỗ trợ để người lao động hiểu rõ về lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm tích cực tham gia học nghề, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…